Thông tin du lịch

Thông tin du lịch 25/2


*KHU DU LỊCH SINH THÁI CỒN PHỤNG – BẾN TRE



Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha.

Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra trên Cồn Phụng. Đặc biệt, cồn Phụng là nơi tiên phong khai thác thân cây dừa, ban đầu chỉ là hàng gia dụng rồi tiến tới hình thành một làng nghề mỹ nghệ dừa và sau đó lan rộng cả tỉnh Bến Tre. 

Một điểm mà du khách không thể bỏ qua là tham quan khu di tích Đạo Dừa trên diện tích khoảng 1.500m². Hiện di tích này được bảo tồn nguyên kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa – Nguyễn Thành Nam (1909-1990) với khu sân có 9 con rồng; tháp Hòa Bình (cửu trùng đài), nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Đến với Cồn Phụng, sau bữa cơm trưa với những món ăn dân dã mang đậm phong vị ẩm thực vùng sông nước Nam bộ,du khách sẽ được ngả lưng trên những chiếc võng êm ái nhẹ đưa dưới bóng mát của những khu vườn nhãn.            

Bạn sẽ được tham gia vào các tròn chơi giải trí rất đặc sắc tại đây như cân cá sấu, cưỡi đà điểu…

*Nhà cổ Huỳnh Phủ



Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo, mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927) để lại. Nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2011.

Nội thất và sườn nhà làm bằng các loại gỗ có giá trị cao như: lim, thau lau. Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhất của mặt hậu vào phục vụ sinh hoạt gia đình, từ cột nhất của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Phía tả thờ Cửu Huyền Thất Tổ, giữa thờ Phật Bà Quan Âm, phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm. Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là hai kỳ lân đối diện, cùng nhe nanh, mặt hướng ra ngoài, chân trụ chạm rồng ba móng, mặt hướng lên trên (theo truyền tụng rồng ba móng thường dành cho dân thượng lưu, rồng bốn móng dành cho quan lại, rồng năm móng dành cho vua).

*Về Bến Tre ngắm cầu Hàm Luông



Để có thể dựng xây nên công trình cầu Hàm Luông – cây cầu giữ kỷ lục có nhịp đúc hẫng cân bằng lớn nhất Việt Nam thì biết bao các công nhân, kỹ sư đã thức ngày đêm hoàn thành cây cầu cho đúng tiến độ. Cây cầu mang dáng vẻ kỳ vỹ, bắc qua sông Hàm Luông mênh mông này là nhịp cầu nối liền thành phố Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc. Cùng với cầu Rạch Miễu, công trình cầu Hàm Luông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế, du lịch – dịch vụ của cả vùng, góp phần tạo điều kiện cho việc giao thông trở nên dễ dàng hơn. Cầu Hàm Luông có tổng chiều dài hơn 8.000 mét, bề rộng 16 mét, gồm có bốn làn xe.

Cầu Hàm Luông là một công trình lớn của tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung. Nhịp cầu nối đôi bờ đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế, du lịch của vùng. Nếu có dịp đi du lịch Bến Tre bằng xe máy, bạn có thể dừng lại đôi phút tại đây để lưu những khoảnh khắc ấn tượng tuyệt vời khó quên nhất, trước cảnh quan hữu tình của Bến Tre được thu cả vào tầm mắt từ trên cầu Hàm Luông lộng gió.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC