Thông tin du lịch

THÔNG TIN DU LỊCH 22/9


Làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch
UBND Thành phố Hà Nội mới ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm.

Theo đó, Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội sẽ do Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm tổ chức quản lý.

Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

 
Kể từ khi được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (28/11/2005), đến nay, đã trải qua gần 13 năm mang thương hiệu di sản cao quý, hơn 1.050 hộ dân, 7.000 nhân khẩu đang sinh sống tại 2 khu vực bảo vệ 1 và bảo vệ 2 của di tích làng cổ Đường Lâm trải đều trên diện tích của 5 thôn bao gồm trên 164 ha.

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật khiến cho nơi đây trở thành một điểm nhấn du lịch của Hà Nội. Ngoài ra, đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” – nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền nên nơi đây còn gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua.

Theo thống kê, tại quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm, hiện có 50 di tích có giá trị (trong đó có 7 di tích được xếp hạng Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp Tỉnh, Thành phố), 98 ngôi nhà cổ truyền thống có niên đại lâu đời, 17 lễ hội lớn tại các di tích; trong đó có các lễ hội lớn như ở đình Mông Phụ, đình Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, 30 quán, điếm, giếng cổ, văn chỉ võ chỉ, các nhà thờ họ, nhà thờ tổ, khối tư liệu Hán Nôm, văn bia thư tịch sắc phong cổ, các phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian cổ cùng các vị trí phong cảnh đẹp mang đậm chất hồn quê Việt…

Làng cổ ở Đường Lâm có ở nhiều vị trí luôn cuốn hút du khách, các món ăn ẩm thực sản phẩm đặc trưng truyền thống gia truyền.

Đây còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có những dòng họ “trâm anh thế phiệt” trong suốt chiều dài của lịch sử đã sản sinh ra những bậc hiền tài kiệt xuất, đóng góp to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Bà Man Thiện (thân mẫu của Hai Bà Trưng), Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền, bà Chúa Mía, Sứ thần Giang Văn Minh, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Phó bảng Kiều Oánh Mậu, cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn, họa sỹ tài ba Phan Kế An...

Theo Xa Giang
VnMedia
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC