THÔNG TIN DU LỊCH 21/8
Sa Đéc, từ thủ phủ hoa đến trung tâm đô thị, du lịch trọng điểm của miền Tây
6 tháng đầu năm, Đồng Tháp đón gần 2 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu tăng ấn tượng gần 25% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào những con số này có sự bứt phá mạnh mẽ của Sa Đéc, thủ phủ hoa cảnh của vùng sông nước Phương Nam.
Mỏ vàng du lịch sinh thái
Năm 2018, toàn tỉnh Đồng Tháp đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, trong đó riêng thành phố Sa Đéc đã chiếm gần 30% con số này, với trên 1 triệu lượt khách. Những giai đoạn cao điểm như lễTết, hình ảnh từng đoàn xe du lịch chở các đoàn khách từ TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận nối hàng dài trên đường vào làng hoa Sa Đéc đã không còn xa lạ.
Được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây, làng hoa Sa Đéc có thể xem là bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ… nổi tiếng trong nước và quốc tế. Không như hầu hết vùng trồng hoa khác, làng hoa trăm tuổi gây ấn tượng với khách bởi hình ảnh những luống hoa “không chạm đất”. Mùa nước nổi, người nông dân dùng xuồng bơi len lỏi giữa các luống để chăm sóc hoa, tạo ra một hình ảnh đặc trưng kỳ thú của miền sông nước.
Tất nhiên, Sa Đéc không chỉ có hoa. Thành phố còn nổi danh với hàng chục làng nghề như làng bột, làng gạch, làng thuyền, làng quít, làng nem…; chợ đêm Nguyễn Huệ nhộn nhịp dọc bờ sông cùng nhiều điểm đến độc đáo như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung được công nhận di tích VH – LS cấp quốc gia.
Trong vòng bán kính chừng 40 km, Sa Đéc là trung tâm kết nối với nhiều tuyến điểm tham quan lừng danh của Đồng Tháp như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Tam Nông, Gò Tháp, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…
Những ai thường xuyên ghé thăm Sa Đéc sẽ thấy ấn tượng trước sự thay đổi lớn về phát triển du lịch của thành phố chỉ trong 3 năm trở lại đây. Trước đây, người dân có lẽ chỉ quan tâm đến việc trồng hoa. Nhưng giờ đây, họ sẵn sàng đầu tư thêm nhiều hạng mục để thu hút du khách một cách nghiêm túc, như đài ngắm hoa tươi, homestay, các điểm phục vụ check in ngày càng chuyên nghiệp.
Hoà trong sự nỗ lực của người dân là những giải pháp quyết liệt của chính quyền thành phố. Năm 2015, tuyến đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao với chiều dài hơn 2km cùng nhiều công trình hạ tầng phụ trợ đã được chính quyền cho xây dựng tại làng hoa như tuyến đường tham quan, cổng chào, hệ thống mái vòm tạo bóng mát...
Theo ông Võ Thanh Tùng, chủ tịch UBND thành phố, Sa Đéc đang hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hoa kiểng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm các làng nghề và làng hoa sẽ là yếu tố chủ đạo trong việc phát triển du lịch của vùng đất này.
Mũi nhọn kinh tế
Với vị trí thuận lợi, được bao bọc bởi 02 nhánh sông Tiền và sông Hậu, Sa Đéc từ xưa đã nổi danh là một thị tứ đông đúc,mang đậm nét văn hóa sông nước, truyền thống lịch sử, phố thị đô hội mà ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã phải nghiêng mình thừa nhận “Sa Đéc là khu vườn của Nam Bộ”.
Ngày nay, toạ lạc tại vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Mê Kông, Sa Đéc có lợi thế lớn khi thuộc hệ thống giao thông thuỷ quốc tế của hành trình Mê Kông với sự tham gia của nhiều hãng lữ hành đường thủy nổi tiếng.
Về đường bộ, sau khi hai cây cầu quan trọng là Cao Lãnh, Vàm Cống được khánh thành, có thể nói Sa Đéc và Cao Lãnh đã trở thành điểm dừng lý tưởng cho khách từ HCM đi các tỉnh miền Tây và cả Campuchia bằng đường bộ lẫn đường thủy.Vị trí này cũng cho phépSa Đéc trở thành đầu mối giao thương hàng hóa, là cửa ngõ giao lưu quan trọng của Đồng Tháp với khu vực và quốc tế, kết nối xuyên suốt các tỉnh thành ở "vùng lõi ĐBSCL" như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên...tạo nên một át chủ bài cho sự phát triển kinh tế của khu vực.
Năm 2014, Sa Đéc được công nhận là đô thị loại III. Đến đầu 2018, sau 4 năm, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công nhận thành phố Sa Đéc là đô thị loại II đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Quyết định này được công nhận sớm hơn dự kiến 2 năm, với điểm đánh giá vượt xa tiêu chuẩn tối thiểu, ghi thêm điểm son cho sự nỗ lực và vận động không ngừng nghỉ của Sa Đéc.
Định hướng phát triển của Sa Đéc càng được nâng đỡ vững chắc từ môi trường đầu tư ngày càng khởi sắc của toàn tỉnh Đồng Tháp nói chung. Liên tiếp 10 năm qua, Đồng Tháp luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước.
Những tiềm năng lớn về du lịch và thương hiệu PCI ấn tượng của Đồng Tháp đang đưa Cao Lãnh, Sa Đéc trở thành điểm đến tiềm năng của dòng vốn đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, bất động sản, đô thị…với sự hiện diện của những cái tên quen thuộc như Vingroup, Tập đoàn FLC, Nguyễn Kim…
“Sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn không chỉ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị, dịch vụ của địa phương mà còn tác động trực tiếp đến thị trường địa ốc, bởi đơn giản thị trường có tiềm năng thì các đại gia trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại… mới xuất hiện”, ông NguyễnKhoa, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốctại Đồng Tháp cho biết.
Hiện tại, giá BĐS tại Cao Lãnh, Sa Đéc đã rục rịch tăng từ 1-2 năm trở lại đây. Riêng Sa Đéc tăng mạnh từ sau khi thành phố lên đô thị loại II năm 2018. Một nền nhà gần trung tâm Sa Đéc cách đây vài năm chỉ 300 triệu, nay đã lên gần 1 tỷ đồng. Biến động giá đất có thể thấy rõ nhất qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký biến động về đất đai của Cao Lãnh và Sa Đéc, khi trung bình mỗi ngày số hồ sơ mà thành phố tiếp nhận lên tới 60-80 hồ sơ đăng ký.
“Thị trường địa ốc tại Sa Đéc có tính bền vững rất lớn vì đồ án quy hoạch TP. Sa Đéc từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 do tư vấn Pháp xác lập đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đây là lợi thế lớn mà không phải địa phương nào cũng có được.
Đó là lý do rất nhiều nhà đầu tư vừa thắng lớn ở các thị trường địa ốc lân cận như Phú Quốc, Cần Thơ... đang tìm cách đổ xô về Đồng Thápnói chung và Sa Đéc nói riêng để gom hàng”, ông Khoa cho hay.
Theo VnMedia