Những điểm đến thú vị ở Cao Phong
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10km, huyện Cao Phong sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái cùng nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Dưới đây là một số điểm đến không nên bỏ qua khi tới Cao Phong:
Đền Thượng Bồng Lai và quần thể núi Đầu Rồng
Nằm dưới chân núi Đầu Rồng (khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), đền Thượng Bồng Lai là nơi thờ Tứ phủ Thánh Mẫu. Ngôi đền nằm trong quần thể núi Đầu Rồng trải dài hơn 1km, có hình dáng như một con rồng khổng lồ, gồm 6 hang động chính: Phong Sơn, Nhãn Long Sơn, Hoa Sơn Thạch, động Không đáy, động Thanh Thủy và hang nước.
Ngoài 4 hang khô, núi Đầu Rồng còn có 2 hang ướt là hang nước chạy trong lòng núi dài khoảng 400m, sâu từ 5 - 8m. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử, con người và mảnh đất Cao Phong cùng những dấu tích quan trọng về cấu tạo địa chất. Danh lam thắng cảnh Quần thể núi Đầu Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2012.
Thung Nai
Thung Nai là một xã lòng hồ sông Đà, thuộc huyện Cao Phong, cách thành phố Hòa Bình 25km. Với hệ thống núi đá vôi đặc trưng và các hòn đảo nhỏ nổi trên mặt nước, Thung Nai được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên núi”.
Tới đây, du khách có dịp thăm viếng đền Bà chúa Thác Bờ trong lòng động Thác Bờ. Động có độ sâu 100m, bên trong chia thành 3 cung phòng lớn với những nhũ đá mang nhiều hình dạng kỳ thú. Đến Thung Nai, du khách còn được khám phá lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chợ nổi, hang Trạch và thưởng thức món cá thiểu sông Đà hun khói hay lợn Mường...
Chùa Khánh
Tọa lạc trên đỉnh đồi Khánh (xã Yên Thượng, huyện Cao Phong), chùa Khánh là ngôi chùa cổ tọa lạc trên đồi cao. Chùa có hệ thống tượng thờ đặc biệt, là các tượng Phật được tạo tác bằng các cột đá tự nhiên mà người Mường gọi là “Bụt mọc”. Đây là tín ngưỡng thờ Phật (Bụt mọc bằng đá) điển hình tại di tích này. Trước năm 1945, đây là nơi tập luyện của Đội tự vệ khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên với lịch sử hào hùng.
Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan
Tượng đài được dựng năm 2008 tại xóm Mỗ I (xã Bình Thanh) nhằm ghi dấu sự kiện Cù Chính Lan tiêu diệt xe tăng Pháp trên đường số 6 (ngày 13-12-1951). Tượng đài được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích 3.638m2. Phần tượng và bệ tượng được chế tác bằng hơn 100 tấn đá xanh Thanh Hóa, cao 8,5m. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân của tỉnh Hòa Bình.
Tổng hợp nhiều nguồn