Dưới đây là những nguyên nhân mà bạn nên nắm rõ và cần thận trọng hơn trong việc ăn cũng như chế biến thủy, hải sản:
Dùng hải sản không còn tươi sống để chế biến món ăn
Theo thống kê của các bệnh viện lớn, mỗi ngày họ thường tiếp nhận vài ca bệnh vì ăn hải sản sống, tái, ăn phải hải sản đã chết, không còn tươi.
Nguyên nhân là vì trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn vibrio para haemolyticus có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến.
Đặc biệt ở hải sản đã chết (không còn tươi, hải sản đông lạnh, hải sản khô) vi khuẩn này càng tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là Histamin, nói cách khác thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn thành một chất độc. Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng Histamin cũng tăng lên và tích luỹ trong thịt hải sản. Chất này không bị phân huỷ khi chúng ta đun nấu bằng mọi cách. Khi hải sản có nhiều Histamin được ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu và gây các biểu hiện dị ứng (bản chất không phải là dị ứng mà là ngộ độc).
Vì thế, nguyên tắc đầu tiên khi ăn hải sản, đó là phải lựa chọn đồ tươi sống. Khi hản sản bị ươn, chết, có mùi khác lạ tuyệt đối không vì ham rẻ mà mua ăn sẽ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nói trên.
Các dấu hiệu mà bạn cần biết khi bị ngộ độc hải sản đó chính là: da đỏ, ngứa (đầu, mặt, cổ, ngực và tay), trường hợp nặng khó thở, tụt huyết áp, đau bụng, nôn,… hoặc bạn có thể bị rối loạn đại tràng, rối loạn tiêu hóa khi ăn quá nhiều hải sản.
Nguy cơ từ ăn sống hoặc làm gỏi
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết, ngộ độc trong những ngày hè chủ yếu do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, trong đó các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn là các thực phẩm có nhiều dầu, đạm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, sữa, hải sản… Những nguy cơ này sẽ tăng lên khi ăn đồ sống, tái chưa được nấu chín.
Nhiều người quan niệm, ăn hải sản, nhất là món hàu thì phải ăn sống mới bổ, ăn gỏi tôm (tôm sống bóc ra ngâm vào chanh), gỏi cá… mới đảm bảo dinh dưỡng. Thực tế, không có một cơ sở khoa học nào cho thấy, ăn sống các loại thủy hải sản này lại bổ hơn ăn chín.
Vì thế, hãy nấu chín các thức ăn trên, các vi khuẩn đường ruột, ký sinh trùng nếu có trong thực phẩm này hầu hết đều bị tiêu diệt, sẽ phòng được nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy, nguy cơ nhiễm sán, ký sinh trùng do chưa bị tiêu diệt.
TS. Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm khoa ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội, khẳng định: Việc ăn các loại thủy hải sản sống, ăn gỏi là rất nguy hiểm. Ăn sống các loại này, bổ đâu chưa thấy nhưng người ăn có thể bị nhiễm ký sinh trùng, giun sán từ nguồn thực phẩm sống này.
Theo một nghiên cứu được Tiến sĩ Đề và cộng sự thực hiện cho thấy, trong gỏi cá đã chế biến (trộn với đủ loại gia vị: giấm, mẻ, riềng, lá mơ) và đưa vào sử dụng, ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%, cua nướng đến vàng vỏ thì ấu trùng sán lá phổi vẫn còn tới 65%, và với cua nướng cháy vỏ ấu trùng này vẫn còn sống 23,3%.
Khi ăn phải những loại thực phẩm chứa ấu trùng này sẽ “nạp” vào cơ thể các loại ấu trùng và chúng sẽ gây bệnh cho con người. Vì thế, với các món ăn khoái khẩu từ hải sản, tốt nhất là hãy ăn chín, nấu chín vừa bổ dưỡng, vừa bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình, đặc biệt với người bị viêm đại tràng.
Hàm lượng dinh dưỡng cao
Các loại hải sản đều có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là đạm, vì vậy nếu chúng ta ăn quá nhiều một lúc dễ gây ra tình trạng tiêu chảy. Vì khi đó, gây sức ép cho hệ vi sinh vật đường ruột, các lợi khuẩn bị quá tải không tiết đủ enzyme để tiêu hóa và hấp thu hết các chất đạm.
Tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và đường ruột, tránh bị đi ngoài sau khi ăn hải sản hoặc rối loạn tiêu hóa nên ăn hải sản đã được nấu chín kỹ, hạn chế ăn đồ nướng.
Hoài Nguyễn (T/H)
Theo tạp chí Sống Khỏe