TS.BS Nguyễn Đình Tỉnh - giảng viên bộ môn nhi, khoa Y học lâm sàng, Trường đại học Y tế công cộng – cho biết, trung bình mỗi ngày ông nhận được 30-40 cuộc gọi xin tư vấn của bố mẹ liên quan đến trẻ mắc Covid-19, chủ yếu là triệu chứng sốt.
Theo bác sĩ Tỉnh, sốt là triệu chứng rất thường gặp, không chỉ đối với các bệnh nhi mắc Covid-19 mà trẻ bình thường mọc răng, tiêm phòng cũng có biểu hiện sốt. Tuy nhiên khi trẻ bị sốt và gắn thêm chữ Covid-19 thì bố mẹ thường lo lắng hơn.
Thông thường, khi trẻ mắc Covid-19 triệu chứng sốt xuất hiện nhiều nhất. Trường hợp sốt nhẹ sẽ khỏi trong 1-2 ngày, nhưng cũng có trường hợp sốt liên tục trong 3-5 ngày.
Khi trẻ bị sốt, nhiều phụ huynh lo lắng nên cho uống xen kẽ hai thuốc là paracetamol và ibuprofen để hạ sốt nhanh hơn. Một số người tự ý cho uống kháng sinh do trẻ sốt quá cao, khó chịu, quấy khóc nhiều hay khô mồm miệng, chán ăn.
Trong trường hợp này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên, bố mẹ chỉ nên dùng paracetamol và uống cách 4-6 giờ một lần, nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Không được uống sớm hơn 4 giờ vì trong thời gian đó thuốc vẫn còn trong máu.
Thông thường, trẻ mắc Covid-19 (chỉ sốt đơn thuần không có triệu chứng) trong 3 ngày đầu thì không đáng lo ngại, sau đó sẽ giảm dần. Trẻ sốt chính là lúc cơ thể huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại virus ra khỏi cơ thể.
Trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, khi sốt cũng xử trí tương tự như trẻ không mắc Covid-19, phụ huynh không nên quá hoang mang và lo lắng.
Nếu trẻ sốt chưa đến 38,5 độ C, không chán ăn, bứt rứt thì không dùng thuốc hạ sốt, có thể chườm bằng khăn mềm, bổ sung nước và dinh dưỡng. Bù nước đầy đủ cho trẻ. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước như cam, dừa, dưa hấu... càng nhiều càng tốt. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách 2 giờ trẻ đi tiểu một lần.
Khi trẻ sốt, phụ huynh bỏ bớt quần áo, tã lót, đặt trẻ ở phòng thoáng khí và mát mẻ. Cho trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Khi ra ngoài, trẻ cần được giữ ấm cổ ngực, mang tất để không bị lạnh.
Trong thời tiết lạnh ở Hà Nội, nếu trẻ ở trong phòng kín, bố mẹ có thể bỏ bớt áo cho trẻ chỉ mặc đủ ấm, không nên chườm nước ấm. Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi không nên sử dụng biện pháp chườm mà có thể bỏ bỉm cho bé, việc này cũng có thể giúp bé hạ sốt, TS.BS Nguyễn Đình Tỉnh lưu ý thêm.
Đặc biệt, phụ huynh theo dõi trẻ nếu thấy một trong các dấu hiệu sau thì nên nhanh chóng cho đi bệnh viện khám:
- Trẻ mệt nặng hơn;
- Trẻ bú kém hơn (chỉ bú được 1/2 lượng sữa so với ngày thường);
- Trẻ li bì hoặc hôn mê, co giật;
- Trẻ khó thở hoặc thở nhanh hơn hoặc thở khác thường hoặc thở rút lõm ở lồng ngực;
- Trẻ sốt cao trên ba ngày
https://www.nguoiduatin.vn/cha-me-nen-lam-gi-khi-tre-bi-sot-do-mac-covid-19-a543704.html