Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi gần đây khiến nhiều người lo ngại đã chọn giải pháp không ăn thịt lợn. Nhưng theo các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay thịt lợn. Để đảm bảo, người tiêu dùng nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi và mua thịt ở những cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thịt lợn là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Trong 100g thực phẩm ăn được, thành phần dinh dưỡng của từng loại như sau:
- Thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ: 16.5g protein, 21.5g mỡ, 9mg canxi, 178mg phosphor, 1.5mg sắt, 1.91mg kẽm, 285mg kali, 55mg natri, vitamin A 10µg.
- Thịt lợn nạc: 19.0g protein, 7g mỡ, 7mg canxi, 190mg phosphor, 1.5mg sắt, 2.5mg kẽm, 341mg kali, 76mg natri, vitamin A 2µg.
- Thịt lợn mỡ: 14.5g protein, 37.3g mỡ, 8mg canxi, 156mg phosphor, 0.4mg sắt, 1.59mg kẽm, 318mg kali, 42mg natri, vitamin A 2µg.
Các món ngon từ thịt lợn.
Người tiêu dùng muốn chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, khi đi mua cần chọn thực phẩm đã qua kiểm dịch (dấu kiểm dịch của thú y, mua thực phẩm ở các cơ sở bán có uy tín và biết nguồn gốc thực phẩm, cửa hàng có thương hiệu.
Giá trị dinh dưỡng đích thực của thực phẩm đem lại sức khỏe con người chỉ khi thực phẩm đó thực sự an toàn. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh là yếu tố then chốt nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Thịt còn tươi cần đạt được các tiêu chí sau:
- Màng ngoài thịt khô, không bị ướt;
- Có mùi thơm của thịt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh;
- Màu sắc bình thường: Thịt màu hồng tươi, thịt bò màu đỏ đậm vừa phải (không quá sớm), thịt trâu màu tím;
- Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra;
- Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô;
- Mỡ lợn màu trắng, dày, bì không có những chấm xuất huyết màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu;
- Tủy xương có màu trong, bám chặt vào thành ống xương, đàn hồi và không có mùi ôi;
- Kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo.
Trong trường hợp bất khả kháng, người nội trợ không an tâm khi sử dụng thịt lợn trong lúc dịch bệnh cho bữa ăn gia đình thì tốt nhất nên dùng các thực phẩm khác thay thế như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng... Người nội trợ có thể tham khảo các thực phẩm giàu protein để chọn thực phẩm thay thế cho thịt gia súc trong bữa ăn của gia đình.
Một bữa ăn cân đối cần bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Riêng nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, bảo đảm cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Vì vậy, không nên tẩy chay thịt lợn mà hãy lựa chọn thịt một cách thông thái để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình và cho gia đình.
Ths.BS Nguyễn Văn Tiến