Sử dụng sữa hạt là xu hướng của nhiều người nhằm hướng đến cuộc sống xanh, sạch
Bà Ruomwadee Lakakul, chuyên gia dinh dưỡng đến từ Thái Lan thông tin, số người mắc các bệnh như: ung thư, tiểu đường, tim mạch,... số người bị dị ứng sữa bò, không dung nạp lactose trong sữa động vật ngày càng tăng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó phong trào bảo vệ môi trường ngày càng phát triển, số người ăn chay cũng gia tăng mạnh. Những điều này đã tác động không nhỏ tới sự thay đổi về mối quan tâm trong tiêu dùng. Người tiêu dùng đang chủ động thay đổi thói quen ăn uống để phòng tránh các vấn đề sức khỏe, để hướng tới lối sống xanh.
Theo đó, dựa vào thành phần và đặc điểm của nguyên liệu mà sữa thực vật chia làm 4 loại chính, đó là sữa làm từ ngũ cốc, từ họ hàng nhà đậu, từ các loại củ quả hoặc các loại hạt dinh dưỡng. Sữa thực vật chế biến từ các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, đậu nành.. được xem là nguồn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe với nhiều dưỡng chất như protein, vitamin C..., dễ uống, phù hợp với nhiều độ tuổi, cho cả người không dung nạp được lactose có trong sữa động vật.
Theo nghiên cứu của đại học McGill, Canada công bố, sữa đậu nành chứa nhiều chất đạm, từ 7 đến 12 gram protein trong 240ml sữa và được coi là loại sữa xếp hàng đầu cung cấp dồi dào lượng protein. Sữa hạnh nhân có hàm lượng calo thấp và giàu chất béo đơn bão hòa, thích hợp cho các chế độ ăn kiêng và giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể. Trong hạnh nhân cũng chứa các chất bổ dưỡng như canxi, vitamin E, chất xơ...
Óc chó cũng có các thành phần giúp ngừa lão hóa, ổn định đường huyết và hệ tim mạch, cung cấp vitamin C, giúp tăng sức đề kháng và sức khỏe hệ miễn dịch, cơ thể linh hoạt, năng động.