Hồng bì hay còn gọi là quất hồng bì được trồng nhiều ở miền Bắc, cây hồng bì thường mọc cao khoảng 3-8m, có lá nhẵn màu xanh thẫm, hoa màu trắng mọc thành chùm ở ngọn cành thường nở vào tháng 3, mùa quả tháng 6-10. Vỏ quả có lông, có nhiều hạt, thịt ngọt thơm có vị chua ngọt rất dễ ăn.
Thông thường người ta trồng hồng bì để lấy quả ăn, ngoài ra còn sử dụng các bộ phận khác trên cây như hạt, lá hay rễ để chữa một số loại bệnh.
Quả hồng bì có tác dụng trị ho rất hiệu quả đặc biệt là chứng ho ở trẻ em. Chỉ cần hấp một ít quả hồng bì với đường cho người bệnh uống 3 lần một ngày, sau vài ngày bệnh sẽ giảm nhanh chóng.
Lá
Lá (hoàng bì diệp) có vị đắng và cay, tính bình hơi ấm; Có tác dụng giải cảm, hạ sốt, long đờm và giảm ho. Dùng chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, ho. Lá quất hồng bì tươi 30g, rửa sạch, phơi khô, sắc uống cho ra mồ hôi.
Dân gian còn dùng lá hồng bì để nấu nước gội đầu, cho sạch gầu và mượt tóc. Liều dùng hàng ngày 20-40g.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Lá hồng bì có tác dụng bảo vệ tế bào gan; hạ đường huyết và lipid huyết; kìm hãm sự phát triển của một vài chủng ký sinh trùng sốt rét, tụ cầu vàng và một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Hạt
Hạt (hoàng bì quả hạch) và rễ (hoàng bì căn) có vị đắng, cay, the, tính ấm. Có tác dụng giảm đau, xúc tiến tiêu hóa, dùng chữa đau dạ dày, đau vùng thượng vị, đau bụng co thắt. Hạt còn chữa rắn cắn.
Rễ
Rễ còn dùng chữa cảm mạo, thấp khớp, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Liều dùng hàng ngày: hạt 6-10g; rễ 10-20g.
Để kích thích tiêu hóa và phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ: Lấy vỏ thân hoặc rễ cây quất hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, quả khế chua 20g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng trong nhiều ngày liền.
Theo tạp chí Sống Khỏe