Chân gà từ lâu đã là một món ăn được ưa chuộng trên thế giới - đặc biệt là tại châu Á. Tại Việt Nam, những năm trở lại đây, chân gà trở thành một trong những món ăn được yêu thích của giới trẻ. Không chỉ là mồi ngon trên bàn nhậu cho cánh mày râu, mà nó còn trở thành món ăn vặt khoái khẩu của nhiều chị em phụ nữ.
Mặc dù không nhiều thịt, nhiều mỡ nhưng từ chiếc chân người ta đã chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn như: Chân gà nướng, chân gà luộc ngâm sả tắc, chân gà luộc, chân gà chiên mắm, chân gà nướng sa tế, chân gà rang muối, chân gà sốt cay Hàn Quốc…
Theo các nhà khoa học, chân gà rất giàu collagen. Mức độ collagen tự nhiên trong chân gà cũng tương tự lượng collagen có trong rau xanh và trái cây. Đây là chất giúp hỗ trợ da tạo tế bào mới thay cho những tế bào chết, từ đó giúp duy trì sức khỏe, độ đàn hồi và sự trẻ trung của làn da.
Bên cạnh đó, thành phần collagen trong chân gà còn có tác dụng như thuốc hạ huyết áp loại ức chế men chuyển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại học Hirosima và Trung tâm nghiên cứu phát triển Nippon Meat Packers đã tìm thấy 4 loại protein từ collagen trong chân gà có khả năng kiểm soát huyết áp khi thử nghiệm trên chuột sau 4 giờ bắt đầu có hiệu lực, sau 8 giờ huyết áp giảm nhiều nhất.
Các nghiên cứu khoa học còn phát hiện trong chân gà có rất nhiều acid hyaluronic và chondroitin sulfate, 2 chất này đều mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Trong đó, acid hyaluronic có tác dụng duy trì độ ẩm và ngăn ngừa lão hóa cho làn da vô cùng hiệu quả. Còn thành phần chondroitin sulfate giúp sụn giữ nước, qua đó cho thấy vai trò của nó trong điều trị các bệnh về xương khớp và các vấn đề về khớp khác.
Trong Đông y, từ xa xưa, chân gà đã được sử dụng làm bài thuốc chủ trị được nhiều chứng bệnh khác nhau. Chân gà hay còn gọi kê cân, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Chân gà thường được ninh cao, chế biến thành chế phẩm làm tăng cường sụn khớp.
Vua chúa Trung Quốc thời xưa cũng được phục vụ một món ăn đặc biệt, đó là gân chân gà, được liệt vào 8 món ăn quý chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Người ta thả gà ra và cho chó đuổi đến khi gà kiệt sức thì cắt lấy chân, tước lấy những sợi gân căng mọng, vì cho rằng khi gà bị đuổi, gắng sức chạy thì bao nhiêu sinh lực đều dồn vào đôi chân mà gân lại là nơi tích tụ nguồn sinh lực ấy. Gân chân gà có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Dược liệu được dùng phổ biến dưới dạng thức ăn, thường nấu nhừ với các loại hạt như lạc, đỗ đen, thuốc Bắc… rồi ăn nóng. Có thể đem gân gà phơi khô để dùng dần.
Ngoài ra, chân gà mang lại khả năng chữa lành các chấn thương nhờ có chứa các chất dinh dưỡng như protein và canxi. Đây là hai chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng giúp tái tạo các dây thần kinh, cơ bắp và xương trong cơ thể.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi hầm chân gà càng mềm thì xương chân gà sẽ tiết ra chất hydroxyapatite có tác dụng hỗ trợ xương chắc khỏe, cung cấp các khoáng chất hữu cơ và canxi cho xương. Không chỉ vậy, khi hầm chân gà thì các chất dinh dưỡng trong thực phẩm này như protein, collagen, chondroitin và glucosamine cũng sẽ hòa tan vào nước. Khi bổ sung nước dùng chứa các chất dinh dưỡng này, ruột sẽ khỏe hơn và tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong da chân gà còn chứa một số loại acid amin tốt cho sức khỏe khác như: prolin, glycin, hydrosiprolin, argynin, glycin… Theo các bác sỹ, nhiều dưỡng chất trong chân gà còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe của nướu. Các mô liên kết và sụn có chứa collagen, axit amin và một số chất tạo gelatin, những chất giúp cải thiện sức khỏe của nướu răng rất tốt.
Đặc biệt, chân gà còn chứa các loại khoáng chất khác như kẽm, đồng, magie, canxi và phốt pho. Đây là những khoáng chất cần thiết giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với nhiều loại bệnh.
Theo các chuyên gia, nhiều người thường quan niệm rằng ăn chân gà ác mới thật sự bổ dưỡng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, không phải là chân của giống gà nào tốt hơn, mà là những con gà đó nếu nuôi thả ngoài tự nhiên, di chuyển nhiều, bới đất tìm mồi nhiều sẽ tốt hơn những con gà nuôi nhốt và cho ăn bằng cám tổng hợp. Chính vì vậy, để chân gà trở thành món ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và an toàn, tốt nhất nên kiếm được chân gà ta nuôi thả vườn.
Quỳnh Hoa
Theo tạp chí Sống khỏe