Củ cải trắng có tên thuốc là la bạc tử hay lai phục tử, la bặc tử, rau lú bú… Tên khoa học Raphanus sativus L. Thuộc họ cải Brassicaceae hay chữ thập (Crucifereae), được trồng phổ biến khắp nước ta.
Trong 100g củ cải có năng lượng 17kcal, nước 95,04g, protein 0,67g, chất béo 0,24g, carbohydrate 3,43g, đường tổng số 1,83, chất xơ 1,6g; chất khoáng như: canxi (Ca) 17mg, sắt (Fe) 0,15g, magiê (Mg) 9mg, phốt pho (P) 24mg, kali (K) 285mg, sodium (Na) 249mg, selenium (Se) 0,7mg, vitamin C 15,1mg, niacin (vitamin B3) 0,15mg, folate 17mg, choline 6,8mg.
Theo Đông y, la bặc tử (hạt củ cải) vị cay ngọt, tính bình. Vào kinh tỳ, vị và phế. Có tác dụng đưa hơi đi xuống (giáng khí), trừ đờm; ngoài ra, còn có tác dụng tiêu thực (giúp tiêu hóa). Địa khô lâu (củ cải phơi khô) có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng, lưu thông hơi ở phổi; kiện tỳ tiêu thực, hạ khí hóa đàm, hóa tích khoan trung, sinh tân giải độc. Dùng cho các trường hợp đầy bụng không tiêu, viêm khí phế quản ho nhiều đờm, khản tiếng; thổ huyết chảy máu cam, bệnh đái tháo đường và hội chứng lỵ.
Củ cải trắng
Dưới đây là một số cách dùng củ cải chữa bệnh:
Chữa ho: củ cải trắng 1kg, quả lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa 250g, mật ong 250g. Cách làm: lê gọt vỏ, bỏ hạt; củ cải, gừng tươi rửa sạch thái nhỏ. Cho từng loại vào miếng vải thô sạch để vắt nước, xong để riêng. Đổ nước củ cải, nước lê vào nồi, nấu đến sôi thì bớt lửa lại, nấu tiếp cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào quấy đều và đun sôi lại. Khi nguội cho vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần một thìa canh pha vào nước nóng để uống, ngày 2 lần.
Chữa viêm họng: củ cải tươi (1 - 2 củ), một ít đường phèn (hoặc thay bằng mật ong). Cách làm: củ cải cạo vỏ, rửa sạch, cắt dạng sợi, đem trộn với đường phèn, cho vào hũ để qua đêm cho ra nước rồi chắt lấy nước này uống. Cứ khi nước ra, lại chắt lấy nước, làm liên tục vài ngày.
Chữa người già bị viêm phế quản mạn tính: hạt cải củ sao 12g, hạt tía tô 12g. Sắc uống trong ngày. Hay lấy củ cải hầm bì sứa: bì sứa 120g, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị, hầm nhừ chia ăn 2 lần trong ngày.
Chữa viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm: hạt cải củ sao 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống.
Dùng cho trường hợp khản giọng, mất tiếng, nôn ói, loét miệng: củ cải, gừng tươi liều lượng tùy ý, ép lấy nước chia ra cho uống rải rác ít một trong ngày để ngậm và nuốt từ từ. Có thể trộn cùng nước giá đậu xanh cũng rất hay.
Chữa các trường hợp suy nhược, viêm khí phế quản, ho suyễn: dùng món canh thịt dê, cá diếc, củ cải. Cụ thể thịt dê 100g, cá diếc 1 con, củ cải 60g. Thêm nước và gia vị nấu canh lẩu, ăn nóng.
Chữa các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản mạn tính, cảm sốt ho nhiều đờm dùng nước ép củ cải hấp đường phèn: củ cải tươi (hoặc luộc chín) 500g. Ép lấy nước, thêm đường phèn lượng thích hợp cho uống, ngày 1 lần.
Chữa tiêu hóa kém, mồm hôi, bụng trướng, đại tiện khô: hạt cải củ sao 12g, chỉ xác 8g, thần khúc sao sém 16g. Sắc kỹ uống trong ngày.
Chữa lỵ đau mót đại tiện: hạt cải củ 12g, tỏi 1 củ. Hạt cải củ nghiền thành bột, tỏi củ giã nát ép lấy nước. Uống bột thuốc và nước tỏi với nước đun sôi còn nóng.
Chữa trường hợp đầy bụng không tiêu do ăn uống quá nhiều các loại bánh kẹo, đường, mỡ làm món cháo củ cải: gạo tẻ 100g, củ cải 50g. Củ cải thái lát cùng gạo nấu cháo, thêm chút muối cho ăn.
Chữa các trường hợp đại tiện xuất huyết rỉ rả liên quan đến trĩ và uống rượu dùng món củ cải hầm nước gừng: củ cải (cả lá và cuống) 20 củ. Rửa sạch thái lát nấu nhừ, thêm mấy lát gừng, bột gạo, ít dấm, đun sôi để vừa nguội cho ăn.
Dùng cho người lao phổi, giãn phế quản: củ cải trắng hoặc xanh 1kg, thịt dê (hoặc cừu) 500g, hành, gừng tươi, rượu trắng, gia vị. Cách làm: thịt dê bóc màng lọc gân, rửa sạch, cắt miếng nhỏ rồi đem trụng nước sôi, vớt ra rửa sạch để ráo nước, rồi ướp hành, gừng, rượu trắng và cho vào nồi với lượng nước vừa dùng, nấu sôi. Củ cải cạo vỏ rửa sạch, cắt miếng nhỏ, trụng nước sôi vớt ra, cho vào nồi nấu thịt dê đang sôi, nấu cho chín mềm, nêm nếm gia vị.
Trị đau do sỏi mật: củ cải tươi đem thái thành từng miếng dày, rồi đem tẩm cho thấm mật ong. Sau khi tẩm, đem sấy khô, dùng củ cải đã tẩm sấy này.
Đái tháo đường: củ cải 200g, gạo tẻ 50g và một ít nếp đem nấu cháo. Dùng lúc cháo nóng, ngày 2 lần.
Kiêng kỵ: hạt cải củ có thể hao tổn khí (sức lực) nên người sức yếu (khí hư) không bị đầy tích, đờm trệ đọng thì cấm uống. Người tỳ vị hư hàn nên hạn chế dùng củ cải.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI