Lợi bất cập hại khi cho con ăn quá nhiều đạm
Protein (đạm) là thành phần cơ bản của tế bào, yếu tố tạo hình chính của các bộ phận trong cơ thể. Đạm rất cần thiết trong sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể, do đó đáp ứng nhu cầu về đạm là vô cùng quan trọng. Thiếu hụt đạm sẽ dẫn đến cơ thể chậm tăng trưởng suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng nhiều tuyến nội tiết, suy giảm miễn dịch, tăng tần suất nhiễm trùng. Tuy nhiên thừa đạm cũng vô cùng nguy hiểm.
Tác hại khi trẻ ăn thừa đạm
Nhiều người chỉ cho rằng ăn nhiều đạm sẽ béo phì. Đó chỉ là bề nổi của một tảng băng. Ăn nhiều đạm động vật có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi cơ thể bị nạp quá nhiều đạm, áp lực lọc cầu thận bị tăng cao, gây mất nước, toan chuyển hóa. Lúc này, cơ thể phải huy động canxi từ xương để tạo thành phốt-phát can-xi, nhằm kiềm hóa và duy trì độ pH được duy trì ở mức ổn định. Vì canxi bị lấy từ xương nhiều, có thể dẫn đến xốp xương, loãng xương. Đồng thời khi canxi được lấy để cân bằng độ toan kiềm trong máu, chúng sẽ được đào thải qua thận. Quá trình này kéo dài dẫn tới việc lắng đọng, gây sỏi thận.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng cứ cho trẻ ăn nhiều thịt cá là tốt (Ảnh minh họa: Internet)
Theo số liệu phân tích, ở nhóm trẻ 6 tháng đến 5 tuổi, có tới 91% các bà mẹ hiện cho trẻ ăn đạm cao hơn so với nhu cầu cơ thể, chủ yếu ở nhóm dưới 3 tuổi. Trung bình tỷ lệ protein trẻ nạp vào hằng ngày qua đường ăn uống ở nhóm trẻ đến khám là 260% so với nhu cầu cơ thể có thể dung nạp, nghĩa là cao hơn 2,6 lần so với khả năng hệ tiêu hóa và thận của trẻ có thể hấp thu. Cá biệt, có trẻ được mẹ cho ăn đạm gấp 4 lần so với khả năng có thể hấp thu.
Phần lớn các trẻ được cho ăn đạm quá nhiều là con của nhóm bà mẹ cho con ăn theo kiểu Nhật, đi kèm với uống sữa bột công thức có hàm lượng đạm cao. Lượng đạm trẻ thu nạp qua đường thức ăn ở nhóm trẻ này thường đạt 100 - 150% so với nhu cầu cơ thể. Lượng đạm nạp thêm từ sữa bột công thức đẩy tỷ lệ quá tải đạm lên cao. Điều tất yếu thường thấy ở nhóm trẻ này là thường xuyên bị tiêu chảy mà không rõ nguyên do, phân nặng mùi, trẻ chán ăn hoặc ăn nhiều mà không lên cân.
Học cách chăm con thông minh của mẹ Nhật
Cách cho trẻ ăn theo kiểu Nhật truyền thống thực sự rất khoa học. Người Nhật đã tính toán kỹ để trẻ có đủ hàm lượng dinh dưỡng và vi chất từ nguồn thực phẩm trong ngày mà không cần sữa. Các bà mẹ Việt Nam lại quan điểm phải có sữa thì trẻ mới có da có thịt, cao, thông minh nên đã thay đổi cách cho ăn và cho bé uống thêm sữa công thức. Bố mẹ càng có điều kiện kinh tế thì càng chọn sữa hàm lượng đạm cao. Nhiều người ghép cách cho ăn kiểu Nhật với sữa công thức theo tư vấn trên mạng khiến các bà mẹ tưởng là khoa học, thực ra lại hóa hại.
Tuy nhiên, dinh dưỡng cho trẻ cần kết hợp đầy đủ các dưỡng chất (Ảnh minh họa: Internet)
Trẻ con Việt Nam được mẹ cho ăn theo kiểu Nhật thường có tỷ lệ thu nạp vi chất thấp hơn so với nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân là thực phẩm Nhật thường được trồng theo kiểu hữu cơ sạch, cây đủ dài ngày để tăng trưởng và tích lũy vi chất từ đất nên trẻ ăn 40g rau vẫn có đủ vi chất. Ở Việt Nam, rau mua ngoài chợ thường bị phun thuốc tăng trưởng, cây không đủ thời gian để lấy vi chất từ đất nên ăn đủ lượng mà vi chất vẫn thiếu.
Hướng dẫn mẹ cho trẻ ăn đủ đạm
Làm thế nào để biết trẻ ăn đủ đạm? Theo khuyến cáo của Tổ chức kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trẻ 1 - 3 tuổi cần 13 g và trẻ 4 - 8 tuổi cần 19 g đạm mỗi ngày. Ví dụ, trong 100 g thịt lợn nạc chứa 18 g đạm; 100 g đậu xanh chứa 20 g đạm; 100 g đậu nành chứa 35 - 40 g đạm; trong 100 g sữa bột trẻ em có 10 - 26 g đạm.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, tỷ lệ cân đối giữa đạm động vật (từ động vật và sản phẩm của động vật như trứng, sữa, phô mai) và đạm thực vật (từ rau, củ, quả, hạt) trẻ em cần thu nạp hằng ngày là 70/30. Có nghĩa trẻ em nên ăn 70% đạm từ động vật và 30% từ thực vật.
Như vậy, mỗi bữa mẹ chỉ cần nấu cho trẻ dưới 3 tuổi 20-30 g thịt, cá, tôm là đáp ứng được 70 - 80% lượng đạm từ động vật. Số đạm còn lại lấy từ thực vật: đậu đỗ, đậu phụ, rau lá có màu xanh đậm, sữa đậu nành và không cần phải cho uống thêm sữa bột công thức. Để bổ sung đạm thực vật và vi chất cho con, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, trái cây sạch. Con lớn không chỉ nhờ đạm mà còn từ các vi chất tích lũy hàng ngày.
Theo vnexpress.net
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016