Phần cẳng chân xẻ từ khớp gối (móng giò lợn) thường dùng làm các món ăn cho sản phụ để có nhiều sữa. Giò lợn còn là thực phẩm tốt cho người suy nhược cơ thể, làm da tươi nhuận. Sau đây là một số món ăn thuốc từ chân giò và móng giò lợn.
Theo Đông y vị ngọt mặn tính bình, có tác dụng bổ huyết, thông sữa, tươi nhuận da.
Chân giò lợn đường phèn nấu đông (món ăn nổi tiếng của người Trung Quốc:Chân giò trước của lợn 1 cái khoảng 1kg, đường phèn 200g, xì dầu, rượu hành, gừng, quế, hoa hồi, gia vị, mỗi thứ lượng vừa đủ. Chân giò sau khi làm thật sạch bên ngoài da, lóc lấy thịt. Xương được chẻ đôi chặt miếng. Nồi được đặt vỉ để tránh dính, bỏ thịt xương và ít bì lợn cho sôi. Vớt bỏ váng nổi, cho gia vị vào, đun lửa nhỏ cho sôi nhẹ ninh nhừ. Sau đó mới cho đường phèn, hồi, quế vào, tiếp tục đun nhỏ lửa, tưới xì dầu lên thịt đang trong nước sôi. Lật thịt cho ngấm đều gia vị và xì dầu tạo ra tất cả có màu của xì dầu. Đậy vung nấu tiếp nhỏ lửa cho đến khi nước chỉ còn độ 1/4 ban đầu, đun to lửa cho sánh lại là được. Công dụng: làm da hồng hào tươi trẻ.
Chân giò lợn nấu dấm, gừng: Đó là món ăn dân dã còn ít được để ý. Công dụng bổ huyết, khu phong, lưu thông khí huyết, trục huyết ứ trong người.
Chân giò béo nhưng không đáng ngại vì đã có giấm - gừng phối ngũ. Mặt khác sản phụ sau sinh đẻ tiêu hao nhiều sinh lực cần được bồi dưỡng đầy đủ chất để khoẻ mới có đủ sữa nuôi con. Có thể chọn phần cẳng chân (móng giò) sẽ ít mỡ, giòn ngon.
Lưu ý: Người đang giảm béo nên hạn chế ăn giò lợn.
Móng giò lợn hầm quy táo tác dụng bổ máu, làm da tươi nhuận.
Theo y học cổ truyền, móng giò lợn (4 cẳng chân tính từ móng lên khoảng 8cm) vị mặn ngọt, tính bình. Có tác dụng bổ huyết, thông sữa, tăng tiết sữa, đẹp da, mau lành vết thương.
Móng giò lợn hầm quy táo: móng giò lợn 3 chiếc, đương quy 40g, kỷ tử 100g, táo đen 10 quả, rượu gạo 4 thìa canh, muối, đường. Móng giò lợn làm sạch, rửa để ráo, chặt miếng. Các vị thuốc làm sạch, táo bỏ hột, móng giò lợn ninh lửa nhỏ. Sắc các vị thuốc, chắt lấy nước rồi đổ vào nồi móng lợn cùng rượu gạo, đun tiếp lửa nhỏ độ 2 tiếng. Ăn nóng. Công dụng: bổ máu, làm da tươi nhuận, tốt cho phụ nữ sau sinh, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược, bồi dưỡng cho phụ nữ và người già.
Cháo móng giò: Móng giò lợn 1 - 2 chiếc, thông thảo 15g cho vào túi vải, gạo xay vỡ 150g, gừng hạt tiêu vừa đủ. Cho gạo đã vo sạch vào nồi cùng móng giò lợn, túi thuốc, đổ nước vừa đủ ninh nhừ thành cháo, vớt bỏ túi thuốc, chia ăn trong ngày. Công dụng: bổ huyết, thông sữa.
Kỳ quy trư đề thang: móng giò lợn 1 cái, hoàng kỳ 30g; đảng sâm, đương quy, hoàng kỳ mỗi vị 30g, thông thảo 9g. Các vị thuốc cho vào túi vải mỏng khâu lại, cho vào nồi cùng móng giò lợn, đổ nước vừa đủ, ninh lửa nhỏ cho nhừ. Khi ăn bỏ túi thuốc, ăn móng chân lợn và nước. Ngày 1 lần. Công dụng: bồi bổ cho phụ nữ suy nhược sau sinh, ít sữa.
Vương bất lưu hành tán: trư đề thang (canh móng chân lợn), vương bất lưu hành tử 50g sấy khô tán bột. Mỗi lần uống 100g thuốc với nước canh móng chân heo, ngày 3 lần. Món này thích hợp trường hợp sản phụ sau đẻ huyết hư, sữa không xuống.
Sơn giáp trư đề thang: móng chân lợn 2 cái, cam thảo 5g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15g, xuyên sơn giáp 10g, vương bất lưu hành tử 40g, thông thảo 6g. Hầm móng giò lợn lấy nước, bỏ váng mỡ, lấy nước sắc các vị thuốc. Mỗi lần uống 100ml ngày 2 lần. Uống trong 1 tuần.
Chữa viêm da thần kinh: Móng sừng chân lợn tươi mới, cạo rửa sạch, để ráo nước, sao khô vàng, nghiền thật nhỏ. Mỗi lần lấy 15-30g pha vào 60-90ml rượu vàng để uống. Uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi. Ngày 1-2 lần, trong 1 tuần.
BS. Phó Thuần Hương