Theo dược sĩ Phạm Thị Thu Hương – Viện Y học Bản địa Việt Nam vỏ dưa hấu chứa hàm lượng calo ít, nhưng chứa một lượng khá cao các vitamin (A,B,C), lycopene, khoáng chất (kali, kẽm, photpho, canxi…), axit amin, flavonoid và hợp chất phenolic.
Lycopen là một chất chống oxy hóa mạnh trong tự nhiên, giúp ngăn ngừa lão hóa, phòng tránh ung thư (ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang)...
Ảnh minh hoạ.
Dưa hấu được coi là nguồn chứa nhiều L-citrulline nhất trong tự nhiên, đặc biệt ở vỏ quả (chiếm tới 60% lượng L-citruline có trong quả). L-citrulline là một α-amino axit không được sử dụng để tổng hợp protein, thay vào đó cơ thể sử dụng nó như một trung gian trong chu trình Urê.
Trong cơ thể, L- citrulline được chuyển thành L-arginine và sau đó chuyển thành Oxit nitric. Oxit nitric giúp làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu và hạ huyết áp.
Do đó L-citrulline giúp điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực và các vấn đề tim mạch khác. L-citrulline còn giúp điều trị rối loạn chức năng cương dương và được các nhà khoa học khuyến cáo có thể sử dụng như một trong những biện pháp thay thế an toàn cho các thuốc điều trị rối loạn chức năng cương dương khác.
Dược sĩ Hương cho biết có một báo cáo đăng trên tạp chí Quốc tế về vi sinh vật học và khoa học ứng dụng thời nay (International Journal of Current Microbiology and Applied Sciences) cho rằng trong 100g vỏ dưa hấu có chứa hàm lượng một số vitamin và khoáng chất như vitamin A, B1, B2, B3, B6, vitamine C, sắt mangan, phốt pho…
Nhiều nghiên cứu về tác dụng của vỏ dưa hấu
Chính vì vỏ dưa hấu có chứa một lượng chất khoáng và vitamin dồi dào như vậy, ăn vỏ dưa hấu sẽ giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Vỏ dưa hấu theo Y học cổ truyền được gọi là Tây qua bì, vị ngọt nhạt, tính hàn; quy kinh tâm, vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải thử, chỉ khát, lợi niệu, tiêu viêm.
Theo kinh nghiệm dân gian: Vỏ dưa (đã gọt sạch lớp vỏ xanh phía ngoài) ngâm nước vôi trong 5-6 giờ, vớt ra rửa kỹ bằng nước sạch, tráng lại bằng nước đun sôi để ấm (50-60o C), rồi đem thái chỉ hoặc nạo nhỏ, thắng nước đường, đổ cùi dưa vào, múc ra bát để nguội làm món ăn giải khát, giải nhiệt rất tốt.
Cũng có thể phơi khô vỏ dưa hấu (không gọt bỏ vỏ xanh), những khi cần đem sắc uống để làm thuốc giải nhiệt.
Thanh nhiệt giải thử: dùng khi say nắng, ra nhiều mồ hôi, tâm phiền miệng khát: Vỏ dưa hấu, bạch biển đậu, liên diệp, trúc diệp tâm, lấy lượng bằng nhau sắc uống.
Thanh nhiệt lợi niệu: dùng trong bệnh thấp nhiệt, hoàng đản, bụng trướng, tiểu tiện không thông, dùng bài Tây qua tán: Tây qua bì, sa nhân, tỏi. Lấy quả dưa hấu trích một lỗ nhỏ đủ để nạo hết phần ruột đỏ, đậy nắp vỏ (chỗ vỏ trích).
Dùng đất hoàng thổ hay đất sét (dưới dạng nhão), trát kín vào toàn bộ quả dưa, sấy trên lửa cho khô, bỏ lớp đất bên ngoài, nghiền toàn bộ quả dưa đó thành bột mỗi lần uống 4g với nước sôi để nguội.
Trị viêm đường tiết niệu, viêm cầu thận cấp: Vỏ dưa hấu 200g, sắc với nước, chia làm 4 lần uống trong ngày
Kiêng kỵ: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, bệnh hàn thấp.