Ăn ngon sống khỏe

Món ăn bài thuốc bổ phổi


Mỗi khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi làm cơ thể con người nếu không thích nghi kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm bệnh về hô hấp với rất nhiều loại bệnh như: viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi...

Đông y cho rằng các bệnh lý đường hô hấp là do chính khí hư (phế khí hư, phế âm hư), tà khí thừa cơ xâm nhập. Một số vị thuốc trong y học cổ truyền có thể chế thành các món ăn bổ dưỡng có lợi cho phổi giúp phòng và điều trị bệnh lý đường hô hấp.

Bách hợp tên khác tỏi rừng. Cây nương rẫy vùng núi (Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...). Bộ phận dùng làm thuốc là thân hành, thu hái vào cuối mùa hạ đầu mùa thu, rửa sạch, tách vảy, phơi hoặc sấy khô. Theo Đông y, bách hợp có vị ngọt nhạt, tính mát, vào kinh tâm và phế, có công năng nhuận phế, chỉ khái, dưỡng tâm, an thần, giải độc, nhuận tràng, lợi đại, tiểu tiện,... thường dùng làm thuốc bổ, chữa ho, ho khan hoặc ho có đờm quánh, viêm phế quản, mất ngủ... Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Các món ăn chế từ bách hợp như sau:

Cháo bách hợp: bách hợp tươi 30g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ, nước 400ml cùng nấu cháo. Ngày 2 bát chia ăn 2 lần vào sáng và tối. Tác dụng: bổ phế kiện tỳ, chỉ khái định suyễn. Thích hợp dùng trị các chứng viêm phế quản mạn, phế nhiệt hoặc phế táo gây ra ho khan, cùng với lao phổi, ho lâu không khỏi, chán ăn ngủ kém...

Cháo bách hợp, tang bạch bì: bách hợp 3g, tang bạch bì 3g, khoản đông hoa 3g, hạt củ cải 2g, gạo 100g, nước 400ml, đường phèn vừa đủ nấu cháo. Ngày 2 bát chia ăn 2 lần vào sáng và tối. Tác dụng: mát phổi giảm ho, trị viêm phổi trẻ em, ho có đờm, họng đau mũi khô.

Cháo bách hợp, hạt sen: bách hợp, hạt sen, đường phèn mỗi thứ 30g, gạo tẻ 100g, nấu cháo. Tác dụng: tư âm nhuận phế, dưỡng tâm an thần; tốt cho các trường hợp ho kéo dài, người mệt, ăn ngủ kém.

Bách hợp hấp bí ngô: bí ngô 600g, bách hợp 100g, đường phèn vừa đủ. Gọt vỏ bí ngô thái lát theo chiều dọc, rửa sạch bách hợp xếp vào giữa bí ngô, cho đường phèn vào hấp lên.

    mon-an-bai-thuoc-bo-phoi-1

    Vị thuốc bách hợp thường làm thuốc bổ, chữa ho...

    Ngân nhĩ: Tên khác là mộc nhĩ trắng, bạch mộc nhĩ. Theo Đông y, ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng cường tinh, bổ thận, nhuận phế, sinh tân, chỉ khái, thanh nhiệt, dưỡng vị, là một loại thực phẩm bổ dưỡng có tác dụng nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, thích hợp cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mắc các chứng bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch... Các món ăn chế từ ngân nhĩ:

    Súp ngân nhĩ, đường phèn: ngân nhĩ 10g, đường phèn 30g. Ngân nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, cho vào bát cùng đường phèn và nước, đem chưng cách thủy trong 30 phút, chia ăn vài lần. Công dụng: bồi bổ cơ thể, trị các bệnh phổi thể âm hư có ho khan, ho ra máu.

    Chè bách hợp ngân nhĩ kỷ tử: ngân nhĩ 10g, bách hợp 10g, lê 1 quả, kỷ tử đường phèn vừa đủ. Ngân nhĩ ngâm nước ấm 2h rồi rửa sạch, cho vào nồi nước đun 30 phút, cho bách hợp vào đun 15 phút, sau đó cho lê (đã gọt vỏ thái lát) vào đun tiếp 15 phút rồi cho kỷ tử và đường phèn vào đến khi đường tan hết là được. Tác dụng: nhuận phế, chỉ khái tốt cho bệnh đường hô hấp trên.

    Súp ngân nhĩ đại táo: ngân nhĩ 10g, đại táo 10 quả, đường phèn 30g. Ngân nhĩ làm sạch, đun với nước sôi 20 phút rồi cho đại táo và đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm nhuận phế, kiện tỳ ích vị, dùng cho người bị bệnh phổi và bệnh đường tiêu hóa có sốt, ho khan, ăn không ngon miệng, mệt mỏi.

    Ngân nhĩ 25g làm sạch, cho vào nồi đun sôi với nước trong 2 phút, vớt ra để ráo rồi trộn với dầu vừng và gia vị thành salat. Công dụng: trị ho kéo dài hoặc ho ra máu.

    BS. Phạm Minh Dương

    TIN CÙNG CHUYÊN MỤC