Thông tin du lịch

THÔNG TIN DU LỊCH 18/8


Check in thiên đường hạ giới thu nhỏ vùng Tứ Xuyên

Tứ Xuyên, Trung Quốc không chỉ sở hữu Khu bảo tồn “quốc bảo” gấu trúc lớn nhất, là quê hương của những món ăn cay nồng, mà còn được biết đến với danh lam thắng cảnh đẹp nức lòng người “tiểu Cửu Trại Câu” với một nền văn hóa đặc sắc. Nơi này, còn được biết đến là thiên đường nơi hạ giới thu nhỏ. 

Cửu Trại Câu có lẽ là một trong những địa điểm phổ biến nhất khi nhắc đến du lịch Tứ Xuyên. Tuy vậy, Mẹ thiên nhiên vô cùng ưu ái khi ban tặng thêm một “tiểu Cửu Trại” vô cùng xinh đẹp như một phiên bản thu nhỏ hoàn hảo hơn của “thiên đường hạ giới”, đó chính là Tùng Bình Câu hay còn gọi là Thung lũng Tùng Bình.
 
 
Nơi đây được mệnh danh là điểm ngắm cảnh lá đỏ Trung Hoa đẹp nhất với 3 thung lũng, 9 hồ nước và 14 cảnh quan. Thiên nhiên kỳ thú bao gồm hồ nước xanh trong vắt trên cao nguyên độc đáo, rừng nguyên sinh bạt ngàn ôm lấy chân đồi núi trùng điệp và những con suối chảy xiết trắng xóa trên các phiến đá có hình thù kỳ lạ là những điểm nhấn chinh phục hàng ngàn trái tim yêu cái đẹp. 
 
Đặc biệt khi sang thu, cái đẹp ấy lại càng khắc họa đậm nét hơn, rừng cây từ từ rủ bỏ màu xanh tươi mát, khoác lên mình chiếc áo vàng dịu ngọt in bóng xuống mặt hồ tĩnh lặng như tấm gương, trầm mặc nương tựa vào dãy núi đá hùng vĩ, tạo nên vẻ đẹp “bồng lai tiên cảnh” giữa chốn nhân gian. 

Nếu đứng trên cao, bạn có thể nhìn toàn cảnh thung lũng “tiểu Cửu Trại Câu” đẹp như tranh với màu sắc hài hòa, quyện cùng nhau thể hiện sự hoàn hảo mê đắm lòng người. Cũng chính nhờ vào cảnh sắc thơ mộng ấy mà Tùng Bình Câu được ví von là hòn ngọc nằm trên tuyến đường Thành Đô - Cửu Trại Câu.

Đến với Tùng Bình Câu, bạn còn có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa lâu đời của dân tộc Khương với chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm. Sau thảm họa động đất chấn động thế giới năm 2008, Trung Quốc lo lắng điều này có thể xóa sổ truyền thống văn hóa cũng như ngôn ngữ Khương vốn đã suy yếu nghiêm trọng qua thời gian. Kể từ đó, chính phủ đã ưu tiên đầu tư cũng như khuyến khích người dân nơi đây tập trung phát triển du lịch song song với nỗ lực bảo tồn văn hóa. 

Bạn có thể ghé thăm Làng cổ dân tộc Khương - nơi gìn giữ những bản sắc và lối sống của dân tộc này. Ấn tượng đầu tiên có lẽ phải kể đến kiến trúc vô cùng độc đáo với những lâu đài phòng vệ công phu, những cung đường trắc trở tựa mê cung xoắn ốc cùng đường hầm kiên cố đã trở thành nét đặc trưng cho lối kiến trúc Khương khiến nhiều người vô cùng thán phục sự tài hoa của những nghệ nhân nơi đây. Toàn bộ công trình kiến trúc từ những tháp canh cao hàng chục mét, đến những ngôi nhà có niên đại gần 2.000 tuổi đều được xây từ hai loại nguyên liệu thô sơ là đá và bùn vàng. Không những vậy, vì đặc thù địa bàn sinh sống quanh vùng cao nguyên, nên người Khương cũng được xem là những bậc thầy trong việc xây dựng đường sá, cầu cống trên vách núi đá, sông, suối… vô cùng chắc chắn. 
 
Dù chịu tác động khá lớn từ ảnh hưởng của sự hiện đại hóa, người Khương luôn biết cách duy trì nét văn hóa riêng của mình. Họ luôn khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống với màu sắc rực rỡ. Nếu để ý bạn sẽ thấy nghệ thuật thêu ở đây đã đạt đến đỉnh cao, từ nón, quần áo đến giày đều được may tay tỉ mẩn với những họa tiết thêu vô cùng tinh xảo. 

Đời sống văn hóa tinh thần của người Khương cũng đặc sắc không kém. Trẻ em ở đây từ khi lên 5 đã học cách hát một cách nghiêm túc với niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt. Giọng ca họ có thanh âm trầm bổng mượt mà, thể hiện tinh thần, tình yêu, sự lạc quan trong cuộc sống. Vào những đêm lửa trại, bất kể nam thanh, nữ tú, người già, trẻ nhỏ đều quây quần bên ánh lửa, nhảy múa say mê. Họ cất cao giọng hát như lời cám ơn đáp lại sự ưu ái của thiên nhiên, của đất trời đã dành cho mình từ ngàn xưa nơi thung lũng tuyệt đẹp “tiểu Cửu Trại Câu” này. 

Theo Đức Hoải
VnMedia
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC