Thông tin du lịch

Thông tin du lịch 17/5


Những món nóng hổi cho ngày mưa ở Sài Gòn

Chiều Sài Gòn thường có mưa lớn, không có gì thích thú bằng việc thưởng thức một chén phá lấu hay trái bắp nướng thơm nức mùi mỡ hành.

*Bò phá lấu



Phá lấu là món ăn quen thuộc khi nhắc đến ẩm thực đường phố ở Sài Gòn. Từ học sinh cấp 1 cho đến sinh viên hay người lớn, ai cũng thử qua chén phá lấu nhỏ thường bán bên đường.

Mỗi hàng quán có cách thêm gia vị khác nhau để làm hài lòng thực khách. Sự hấp dẫn của món này là mùi thơm phức, miếng bò dai dai nhưng vẫn có phần thịt mềm. Đặc biệt, chuẩn ngon của món phá lấu bò theo nhiều người là thịt không có mùi hôi.

Một điều nữa góp phần tạo nên sự thành công của món ăn đó là chén nước chấm đi kèm. Nước chấm thường là mắm pha với chanh hoặc quất (tắc), không thể thiếu tỏi, ớt băm.

*Súp cua



Chén súp cua đặc sánh, ánh sắc vàng bắt mắt là món ăn quen thuộc của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. 

Ở Sài Gòn, địa chỉ trứ danh phải kể đến quán ở gần Nhà thờ Đức bà hay tên khác là súp cua Hoà Bình. Chủ quán là anh Tâm. Gọi là quán nhưng nơi này không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa được đặt nép vào hai bên đường. Khách đến đây sẽ gọi món trước rồi chọn chỗ ngồi để thưởng thức sau. 

Thành phần chính của món ăn gồm: cua, bột năng, nấm đông cô, nấm tuyết, trứng cút, các loại gia vị. Quán của anh Tâm còn có thêm trứng bắc thảo hiếm thấy ở những nơi khác. Ngoài ra, những cái tên như súp cua Hạnh, quán Dũng hay chợ Thiếc, chợ Hồ Thị Kỷ hay chợ Phạm Thế Hiển… đều là những địa chỉ nổi tiếng mà bạn có thể tham khảo.

*Bắp, khoai nướng



Cứ chiều đến, những củ khoai mật tím đỏ được rửa sạch sẽ, những trái ngô nếp trắng nõn nà nằm xếp trên vỉ than hồng luôn hấp dẫn người qua đường ghé vào mua về.

Củ khoai to tròn sau khi nướng còn nóng hổi, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài để thưởng thức phần thịt dày ngọt, bùi, thơm nức mùi mật. Bắp (ngô) thì được bóc trần lớp vỏ, nướng cháy sém trên bếp than hồng cũng toả hương lôi cuốn. Món dân dã này được bán phổ biến trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn.

Người muốn ăn món này có thể tìm đến hàng chục chiếc xe xếp hàng trên những tuyến đường lớn như: 3 tháng 2 (quận 10), Sư Vạn Hạnh, Nơ Trang Long, Phan Xích Long, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận)... Mỗi trái bắp, củ khoai từ 10.000 đồng.

*Bánh đúc



Chén bánh dọn ra lúc nào cũng còn nóng hổi, bên trên là một ít nhân thịt bằm xào vừa miệng, nước mắm được chan xâm xấp. Bạn còn sẽ bị lôi cuốn bởi màu vàng cánh gián của hành phi, hành tây.

Sài Gòn có quán bánh đúc ở quận Phú Nhuận của bà Hồng là nổi tiếng nhất. Quán có thâm niên hơn 40 năm nhưng điều khiến nhiều người tò mò tìm đến đó là thái độ phục vụ "vừa bán như vừa đuổi khách".

Ấy vậy, ai từng ăn qua miếng bánh của bà Hồng đều tấm tắc khen. Bánh ở đây có vị cân bằng giữa các đồ ăn kèm, bột không quá nhão, nước mắm chan vào được pha vừa tay. Quán còn phục vụ nhiều món ăn vặt khác như bánh tiêu, bánh cam, sữa chua phô mai, nước rau má...

Chủ quán Bà Già là cô Vân. Toàn bộ công thức nấu nướng đều do một tay con trai của cô thực hiện. "Ba năm trước, con trai tôi được truyền nghề từ một bà cụ. Sau đó chúng tôi mở quán và lấy tên Bà Già để nhớ công dạy của bà cụ", cô Vân kể lại. 

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC