Du lịch toàn cầu mất hơn 2.000 tỷ USD
Covid-19 như cơn bão thế kỷ quét qua du lịch thế giới, thổi bay hơn 2.000 tỷ USD doanh thu và khiến 75 triệu việc làm bị mất.
Từ châu Á sang Âu, Mỹ, những bãi biển vắng, đường phố không bóng người, thắng cảnh trống rỗng và hàng không ngừng hoạt động. Không có ngành công nghiệp nào suy thoái nhanh như du lịch dưới tác động của đại dịch. Cách mạng công nghệ đã mang con người đến gần nhau hơn bằng các chuyến đi và ngành du lịch, với một tỷ lượt một năm, bỗng nhiên trở nên vô nghĩa vì một con virus, khiến người dân trên khắp thế giới ở yên trong nhà.
Ngành du lịch dường như đã xây dựng chiến lược tài chính cho một tương lai không có khủng hoảng. Những người làm du lịch lên kế hoạch cho triển vọng sáng sủa cho ngành công nghiệp trị giá 8.000 tỷ USD: biên giới thông suốt, nhu cầu du lịch cao... mà không nghĩ tới góc tối của thị trường, như đại dịch lần này.
Thiệt hại toàn cầu
Đánh giá toàn cảnh thiệt hại của ngành du lịch hiện nay là rất khó khăn, vì dữ liệu luôn thay đổi mỗi ngày khi virus lây lan quá nhanh chóng. Tuy nhiên, Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) - đại diện cho các doanh nghiệp du lịch toàn cầu, cho biết nếu đại dịch kéo dài thêm vài tháng sẽ có 75 triệu người mất việc làm, 2.100 tỷ USD doanh thu tiêu tan.
Gloria Guevara, CEO của WTTC, đang vận động chính phủ các nước giải cứu các công ty du lịch, vì theo ông, những thiệt hại nói trên trong ngành du lịch "khiến hàng triệu gia đình trên thế giới rơi vào cảnh đáng lo ngại".
Dựa vào việc hạn chế di chuyển và suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến, Hiệp hội hàng không thế giới (IATA) ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu có thể giảm tới 252 tỷ USD, tương đương giảm 44% so 2019. Cụ thể, khu vực châu Âu giảm 46% (76 tỷ USD), Mỹ Latin giảm 41% (15 tỷ USD), Trung Đông giảm 39% (19 tỷ USD), châu Á giảm 37% (88 tỷ USD), châu Phi giảm 32% (4 tỷ USD) và Bắc Mỹ giảm 27% (50 tỷ USD).
Trung bình các hãng hàng không quốc tế, bao gồm Delta và United Airlines, chỉ đủ tiền để trang trải chi phí cho hai tháng trước khi Covid-19 tấn công, theo IATA. British Airways cho biết, 36.000 nhân viên của hãng phải ở nhà. Hiệp hội các hãng hàng không Mỹ (A4A), tập đoàn sở hữu hai hãng American và JetBlue, cũng như UPS và FedEx, cho biết các công ty thành viên mất khoảng 87 tỷ USD doanh thu trong năm nay và đang tính đến việc vay mượn.
Ngành công nghiệp du thuyền cũng đối mặt với vô vàn khó khăn khi các hãng tàu mất 750 triệu USD doanh thu trong tháng 1. Giá cổ phiếu của các các hãng lớn như Caribbean, Carnival và Norwegian giảm đến 60 - 70%. Những tổn thất trong thời gian tới sẽ tăng thêm vì các chuyến đi có thể dừng tới tháng 7 hoặc 8.
Giải cứu
Các quốc gia trên khắp thế giới có thể học hỏi phương án cứu trợ của chính phủ Mỹ với các doanh nghiệp. Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích 2.000 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và người thất nghiệp, nhằm giảm bớt tác động của đại dịch lên nền kinh tế.
Các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ một số khoản của gói kích thích: 425 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang cho các ngành bị ảnh hưởng nặng; 75 tỷ USD cho các hãng hàng không, khách sạn... và 25 tỷ tài trợ trực tiếp, nếu chính phủ nắm giữ cổ phần trong các công ty đó. Phần lớn các khoản tiền đều có điều kiện đi kèm khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận.
"Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch lớn gấp 6 – 7 lần so với vụ tấn công 11/9. Gói cứu trợ này rất quan trọng, chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến trình hồi phục", Roger Dow, CEO của Hiệp hội Du lịch Mỹ, phát biểu. "Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch có quy mô nhỏ. Với các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi muốn họ tiếp tục hoạt động và giữ nhân viên".
Tia hi vọng cuối đường hầm
Một số dấu hiệu cho thấy ngành du lịch có khả năng hồi phục tại Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu đã dần được kiểm soát và các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Lượng đặt phòng khách sạn tại Trung Quốc tăng 40% trong tuần đầu tháng 3, theo Bloomberg, trong khi các chuyến bay hàng ngày tăng 230% so với tháng trước.
Arne Sorenson, giám đốc điều hành Marriot, nói ông đã nhìn thấy sự cải thiện đáng kể tại hệ thống khách sạn của tập đoàn ở Trung Quốc. Công suất phòng khách sạn ở Trung Quốc ở mức 42% vào ngày 1/1 và tăng lên 70% vào giữa tháng, chỉ sau hai tuần, công suất giảm 90% vì dịch bệnh bùng phát. Nhưng ngày 1/3, tỷ lệ này tăng trở lại.
Du lịch nội địa Trung Quốc là thị trưởng khổng lồ, với năm tỷ chuyến đi mỗi năm. Trong một khảo sát, du lịch nội địa có khả năng phục hồi 70% trong sáu tháng tới, nhờ vào khách trong nước.
Còn Mỹ, tâm dịch mới của thế giới, tình hình chưa có gì lạc quan. Hiệp hội du lịch Mỹ chỉ có thể nói rằng, họ tin tưởng vào khả năng hồi phục của ngành kinh tế này, nhưng cần một thời gian dài.
Tổng hợp nhiều nguồn