Ăn ngon sống khỏe

Rau mầm giá trị dinh dưỡng và những lưu ý


So với các loại rau thông thường khác thì rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần. Tuy nhiên ngoài vai trò là một loại thực phẩm sạch, rau mầm còn là “khắc tinh” của bệnh tật.

Rau mầm là món ăn khá phổ biến hiện nay. Chúng có vị khác và mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều các rau thông thường. Trong đó, rau mầm từ hạt ngũ cốc luôn có giá trị dinh dưỡng hơn các loại khác.

Rau mầm được trồng tại nhà, không chứa mầm bệnh gây hại cho sức khỏe. Chúng có vị ngọt hoặc cay nồng tùy theo từng loại khác nhau. Ngoài lượng chất xơ, vitamin dồi dào, rau mầm còn chứa nhiều ezym tiêu hóa khối lượng lớn các chất chống oxy hóa. Theo nghiên cứu, 119% vitamin C cơ thể cần trong ngày chỉ trong một bát con rau mầm. Hơn nữa, trong thành phần dinh dưỡng rau mầm có nhiều men kích thích tăng trưởng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.

Có nhiều loại rau mầm có thể sử dụng như: rau mầm củ cải trắng, rau mầm đậu tương, rau muống, súp lơ, mầm cải, mầm lạc, đậu xanh, đậu trắng, vừng đen, hạt hướng dương… Rau mầm được dùng ăn sống trong các món salad, món cuộn hoặc ăn cùng các loại bánh tráng, hải sản, thịt hoặc trong việc chế biến thành các món ăn như  lẩu, xào, súp,…

 

ảnh minh họa

Ngoài ra, 50g rau mầm có giá trị dinh dưỡng bằng 200g rau thường. Với lượng vitamin B phong phú, rau mầm giúp ngăn cản sự sản xuất dư thừa bã nhờn, hình thành làn da khỏe mạnh. Hơn nữa, rau mầm còn có khả năng làm sáng màu da, cải thiện vết nám do tuổi tác. Vitamin C trong rau mầm thúc đẩy sản xuất collagen, giúp cho làn da khỏe và tươi trẻ hơn, có tính đàn hồi tốt hơn.Rau mầm có chứa silica - một chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để xây dựng và tái tạo các mô liên kết của da. Nó  loại bỏ chất độc từ cơ thể xâm nhập máu khiến cho da sần bì, không còn sức sống.

Protein trong rau mầm hỗ trợ các mô và các cơ quan khác của cơ thể, làm trẻ hóa da từ bên trong và làm giảm các nếp nhăn cũng như các triệu chứng lão hóa khác.

Rau mầm chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao, rất hữu ích để giảm viêm, giảm nguy cơ mụn trứng cá và các vấn đề về da như ngứa hay ban đỏ. Nếu kiên trì sử dụng rau mầm trong một thời gian, da bạn sẽ mịn màng và trông trẻ hơn do hạn chế các nốt viêm như mụn trứng cá hay hiện tượng bong vẩy do da bị khô.

Ngoài ra, lượng protein, vitamin, acid amin, acid béo, chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cũng tăng lên đáng kể trong quá trình rau nảy mầm.

Rau mầm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau thường

Rau mầm đẩy lùi nhiều  bệnh

Trong thành phần dinh dưỡng rau mầm có lượng vitamin đa dạng và phong phú. Các loại rau mầm hầu hết đều có khả năng khử gốc tự do, giải độc đa năng nội ngoại sinh. Đặc biệt, mầm rau muống có thể giải tất cả các chất độc xâm nhập vào cơ thể.

Theo nghiên cứu chất chống oxy hóa Sulphoraphane có mặt trong mầm bông cải xanh. Sulphoraphane – là chất được phát hiện có khả năng kháng insulin. Điều đó cũng đồng nghĩa chất này có thể kiểm soát được lượng đường ổn định trong máu. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên thường xuyên ăn các món chế biến từ mầm bông cải xanh để góp phần cải thiện bệnh. Hơn nữa, người bệnh tiểu đường cũng không quên lựa chọn rau mầm mướp đắng. Bởi theo các chuyên gia, đây cũng là loại rau rất tốt cho việc phòng chống bệnh tiểu đường.

Dinh dưỡng rau mầm thường được biết đến trong top các loại siêu thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa. Trong các loại rau mầm xanh có chứa chất tạo sắc tố cartotene, diệp lục tố chlorophyll và chất đạm dễ tiêu. Nếu bạn đang gặp vấn đề về tiêu hóa, bạn không nên bỏ qua rau mầm lúa mạch. Vì nó chứa nhiều enzyme amylase. Loại enzyme này hỗ trợ tiết dịch trong dạ dày. Nhờ đó rau mầm lúa mạch giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và dễ dàng hơn.

Rau mầm súp lơ xanh và rau mầm cải xoong luôn là những cái tên hàng đầu khi nhắc đến công dụng ngăn ngừa ung thư. Sulforaphane – chính là thành phần tạo nên sự khác biệt của mầm súp lơ xanh. Sulforaphane là chất chống ung thư và ngừa viêm hiệu quả. Đây cũng là hoạt chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da, ngăn chặn vi khuẩn helicobacter pylori – “thủ phạm” gây nên các bệnh về dạ dày, ung thư dạ dày.

Lưu ý
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ rau mầm khá cao. Quá trình rau mầm phát triển cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng các vi sinh vật. Một số rau mầm của bông cải xanh và củ cải, có bề mặt thô ráp dễ khiến cho vi khuẩn bám vào. Nên nấu chung rau mầm với các loại thực phẩm khác gồm dấm, tỏi và hành tây có thể giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh rình rập.
Khi trồng rau mầm tại nhà cần lưu ý đến các dụng cụ, hạt giống và nắm vững quá trình nuôi trồng.


Ths Trần Cường

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC