Thông tin du lịch

THÔNG TIN DU LỊCH 4/3


Thu Lũm vào xuân

Mùa xuân lên xã vùng cao Thu Lũm, nhìn từ trung tâm xã về bản Thu Lũm, sẽ thấy một tán cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, nhiều ngọn lớn tỏa ra bốn phía mọc ngay vị trí đầu tiên của khoảnh rừng. Người Hà Nhì gọi đó là rừng thiêng, nơi không chỉ gắn bó với họ bằng những nghi lễ, phong tục cộng đồng độc đáo, mà còn là minh chứng cho lời thề giữ đất, giữ rừng, chung sống hòa thuận, đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc anh em.
 
 
Đánh thức tiềm năng

Ấn tượng đầu tiên với bất cứ ai đến Thu Lũm thời điểm này là mùi hương sả lan tỏa khắp không gian, lẫn vào mây rừng, sương núi. Thay vì chỉ biết trồng ngô, sắn trên nương rẫy, nay người dân nơi đây đã biết trồng sả để chiết xuất tinh dầu, trồng nhiều loại cây dược liệu, cây công nghiệp; mở rộng sản xuất, kinh doanh thêm nhiều loại hình khác để phát triển kinh tế. Thu Lũm là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngoài đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm tỷ lệ dân số khoảng 90%, ở đây còn có đồng bào Dao, La Hủ với nhiều nét phong tục, tập quán đặc biệt cùng nhiều người dưới xuôi lên sinh sống, công tác. Địa hình hiểm trở với đồi núi có độ dốc cao, giao thông đi lại khó khăn, cho nên Thu Lũm từng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đã trở thành một thị tứ khá sầm uất giữa vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc.

Điểm nhấn của xã Thu Lũm chính là bản Thu Lũm nằm ngay trung tâm với cộng đồng người dân tộc Hà Nhì sống quần tụ trong những ngôi nhà trình tường san sát nhau, kiến trúc đúng kiểu truyền thống. Mỗi nhà dân được nối với nhau bằng đường dốc và tường đá. Con đường đất ngày nắng bụi bặm, ngày mưa sình lầy xưa kia giờ được đổ bê-tông khang trang, sạch đẹp. Tường đá vẫn y nguyên, hiện hữu cho thẩm mỹ, sự cần mẫn của bà con Hà Nhì khi lên núi nhặt đá dăm về xếp đặt quanh không gian sống, trang trí thêm cho những mảnh vườn hoa màu, dược liệu. Ngoài bảo tồn được nét kiến trúc truyền thống, Thu Lũm còn có bản mới với các công trình điện, đường, trường, trạm rất tiện nghi; các cửa hàng dịch vụ từ sửa chữa xe máy, in-tơ-nét, nhà văn hóa thể thao cũng được đầu tư xây dựng…

Chủ tịch UBND xã Thu Lũm Phùng Lòng Cà cho biết, ngoài phong tục tập quán độc đáo, người Hà Nhì luôn có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Để dẫn chứng, ông chỉ về đầu bản, nơi có khoảnh rừng mà người dân quy ước là rừng thiêng, hằng năm luôn diễn ra những nghi lễ lớn của đồng bào Hà Nhì và không ai được phép xâm phạm dù chỉ là một cành cây, ngọn cỏ. Đầu năm mới, người dân sẽ làm lễ cúng trời để tạ ơn mẹ thiên nhiên ban mưa thuận gió hòa mang đến cho bản làng cuộc sống trù phú, ấm no. Đây được coi như một nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì được thực hiện ở rừng thiêng vào đúng lúc mặt trời bắt đầu ló rạng. Theo ông Phùng Lòng Cà, tín ngưỡng này tiếp thêm niềm tin để người dân nơi phên giậu Tổ quốc vững vàng đương đầu với những khó khăn, thử thách; sẵn sàng cùng bộ đội biên phòng bảo vệ từng tấc đất, cánh rừng. Ngoài ngày lễ lớn ấy, đồng bào còn có các lễ Tết cổ truyền đặc sắc khác như: Tết mùa mưa, Tết mừng cơm mới, Tết sâu bọ và Gạ ma thu (lễ cúng thần rừng)…

Năm 2018, xã Thu Lũm đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, bình quân lương thực đầu người đạt 607 kg/người/năm. Người dân Thu Lũm cũng chú trọng trồng, bảo vệ rừng, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng hơn 80%; trồng nhiều cây công nghiệp, dược liệu, như thảo quả, sả, sa nhân, tam thất, mắc-ca… Trong chăn nuôi, toàn xã có đàn gia súc 1.844 con, tăng 1.000 con so với năm 2017. Năm qua, xã đạt thêm hai tiêu chí nông thôn mới, giúp địa phương đạt tổng cộng 16 trong số 19 tiêu chí. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, dân số… cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Tìm hướng phát triển bền vững

Đến Thu Lũm, lãnh đạo xã và bộ đội biên phòng dẫn chúng tôi lên đỉnh núi Pa Thắng để tận mắt chiêm ngưỡng tảng đá trắng huyền thoại được đồng bào các dân tộc coi như một vị thần trấn ải nơi địa đầu biên cương. Giữa đỉnh đồi hoang vắng nổi lên khối đá cao chừng 1,5 m, mang hình dáng của người đàn ông trầm tư, tọa vững chãi trên chân đế rộng hướng về phía dòng suối chảy róc rách dưới chân đồi.

Người Hà Nhì truyền miệng nhiều câu chuyện khá ly kỳ về tảng đá này. Từ thuở di cư, người dân chọn lập bản dưới chân tảng đá hình một vị thần để được che chở cho tới chuyện “đá vọng thê” kể về sự tích đôi vợ chồng chạy lạc, người vợ quay lại tìm chiếc khăn đánh rơi mà người dân tộc mình quan niệm đó như hồn vía không thể mất. Lúc quay lại, người chồng chờ vợ trong thiên tai, biến động đã cùng đứa con hóa thành tảng đá. Bây giờ, những người già ở Thu Lũm vẫn hát câu ca được lưu truyền khi ai đó gợi nhớ câu chuyện nhuốm màu sử thi, huyền tích: “Em hóa con bướm bay đến với anh/ Em đừng hóa con bướm cánh đen, viền xanh, vằn tím, đốm vàng/ Nó là con bướm không lành…”. Hỏi ra, người Hà Nhì không chỉ tôn thờ tảng đá trắng trên đỉnh núi Pa Thắng mà ở nhiều vùng đất khác, họ luôn có tục thờ đá với nghi thức tín ngưỡng gọi là Thổ Ty nhằm cầu mong hạnh phúc, ấm no, an cư lạc nghiệp.

Thu Lũm có ruộng bậc thang đẹp, khí hậu biến đổi đầy sinh động, phong tục tập quán độc đáo, bản làng và rừng còn giữ được nét nguyên sơ với bao câu chuyện hơi hướng ly kỳ, huyền ảo… Việc chưa tận dụng được những lợi thế sẵn có để phát triển du lịch địa phương đã phần nào tạo ra sự tiếc nuối cho những đoàn khách phương xa. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có phương hướng tốt, cụ thể, rất có thể Thu Lũm sẽ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như những bản du lịch tiêu biểu của miền núi phía bắc là Cát Cát ở Sa Pa (Lào Cai), bản Lác ở Mai Châu (Hòa Bình). Ngay cả mùi hương tinh dầu sả quẩn vào sương sớm mây chiều nơi này cũng gợi niềm nghĩ ngợi. Chia sẻ cùng chúng tôi, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm cho rằng, việc trồng và chiết xuất tinh dầu sả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều hộ gia đình đã đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng sả, nhưng để bảo đảm phát triển lâu dài về mọi mặt, cần có sự cân nhắc, điều chỉnh ngay từ bây giờ. Thí dụ, hiện nay người dân vẫn sử dụng củi vào việc chiết xuất tinh dầu, vừa tốn kém lại dễ dẫn đến phá rừng, gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, khi thị trường bão hòa, nếu nước ngoài dừng thu mua tinh dầu thì sẽ phải tìm ra loại cây lương thực hoặc dược liệu khác thay thế. Khi đó, đất đã bạc màu, lúa ngô, dược liệu có trồng cũng khó tươi tốt.

Hiện toàn xã Thu Lũm có khoảng 350 ha diện tích đất đã trồng sả. Cán bộ địa phương cùng bộ đội biên phòng vẫn tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân không làm ảnh hưởng diện tích rừng vì xác định phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng cần định hướng bền lâu, hiệu quả. Xa hơn, ngoài bản chính là Thu Lũm, xã còn có các bản làng khác như: Gò Khà, Pa Thắng, Ló Na, U Ma Tù Khòng, Là Si, Á Chè… được hình thành cách đây vài trăm năm có hang động, ruộng bậc thang, sông suối; còn bảo tồn được các làn điệu dân ca, điệu xòe và múa. Tất cả cần được đầu tư, khai thác hiệu quả để tương xứng với tiềm năng về mọi mặt.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC