Thông tin tiêu dùng

Thông tin tiêu dùng 21/11


*Xe Châu Á lên điểm trong mắt khách hàng nữ

Sau hơn 1 tháng bình chọn, giải thưởng 'Xe của năm' dành cho phụ nữ do 25 nữ phóng viên chuyên về  ôtô xe máy đến từ 20 quốc gia đã chính thức được công bố. Theo đó, dòng xe của năm dành cho phụ nữ là mẫu Hyundai Ioniq, sản phẩm mới mang tính chiến lược của hãng xe Hàn Quốc. Mẫu xe này không chỉ dành chiến thắng chung cuộc mà còn vượt qua nhiều đối thủ để dành chiến thắng ở hạng mục xe thân thiện với môi trường.


Hai đại diện khác đến từ Châu Á là Mazda CX-5 và Honda Civic Type R lần lượt giành chiến thắng tại phân khúc xe gia đình và xe thể thao tính năng cao.

Ba dòng xe chiến thắng còn lại ở phân khúc xe bình dân là Ford Fiesta, ở phân khúc xe sang là BMW 5 Series và phân khúc xe đa dụng là Peugeot 3008. Ngoài ra, giải thưởng còn có hạng mục đặc biệt có tên “Chiếc xe ước mơ” và dòng xe chiến thắng năm nay là McLaren 720S. Hầu hết các mẫu xe chiến thắng đều có mặt tại thị trường Việt Nam.

*Đường sắt bán vé tàu đồng hạng tuyến Hà Nội - Hải Phòng
 
 
Từ 21/11, tàu chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ bán vé tàu giá đồng hạng cho tất cả các loại chỗ, giá chỉ 65.000 đồng, thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.

Các đoàn tàu trên tuyến này hiện đã sử dụng các toa xe chất lượng cao, ghế ngồi mềm hoặc ngồi cứng, có điều hòa không khí và wifi miễn phí.

Chính sách giảm giá vé tàu của ngành đường sắt áp dụng cho các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, trẻ em, thương bệnh binh, học sinh sinh viên… vẫn được giữ nguyên.

*Hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuối năm lại “bùng phát”

Ông Trương Quang Ba - Phó Văn phòng BCĐ389 - cho biết: Từ năm 2014 đến tháng 10/2017 đã phát hiện 44.546 vụ về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Riêng trong 10 tháng năm 2017 đã phát hiện 3.863 vụ, trong đó có những vụ lớn như Khaisilk là vụ điển hình. Mới đây nhất là vụ 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được “vô chai” tại Hà Đông, nhưng khi rao bán trên mạng lại được “khoác áo” mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Nhiều mặt hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc hầu hết được tập kết từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới rồi vận chuyển dần vào TPHCM tiêu thụ. Tùy từng loại hàng mà bọn chúng vận chuyển trên từng loại phương tiện cho phù hợp, điểm lại các vụ vi phạm, thì nạn buôn bán các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược… “nhái” chiếm số lượng không nhỏ. Gần đây nhất là vụ phát hiện lô hàng trị giá 11 tỉ của Cty TS. Các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được dán mác Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng thực ra được đóng gói tại Hà Đông (Hà Nội).
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt giữ.

PGS.TS Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng BCĐ389 quốc gia - cho rằng: Hàng năm, nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại như bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, lợi nhuận từ hàng gian, hàng giả rất lớn.

Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính. Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC