Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 17/5


*Cảnh báo cao độ về rủi ro trong thanh toán ngân hàng

Người dùng liên tục bị mất tiền trong tài khoản thông qua giao dịch ATM, nhiều rủi ro khi thanh toán thẻ và website giả mạo cho thấy cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản.
 
 

Cuối tháng 4/2018, 12 người đã bị mất tiền trong đêm thông qua giao dịch ATM của Ngân hàng NN&PTNT.

Cuối tuần trước, các ngân hàng Vietcombank, BIDV đưa ra lời cảnh báo về các website giả mạo. Tiếp đó là Ngân hàng Eximbank khuyến nghị khẩn cấp là trong quá trình quẹt thẻ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, chủ thẻ không nên cho phép quẹt thẻ qua bất kỳ thiết bị nào khác ngoài máy POS vì đã có những nguy cơ rình rập để gây thiệt hại cho người dùng.

Cũng cách đây ít ngày, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt cảnh báo khách hàng về việc xuất hiện các website giả mạo giao diện ngân hàng nhằm lừa đảo đăng nhập để lấy cắp thông tin người dùng. Vậy, thủ đoạn của các tội phạm tấn công mạng là gì và sẽ gây ra những tổn thất nào cho cả khách hàng và cả ngân hàng?

Việc mất tiền có thể là do khách hàng vô tình nhấn vào các đường link giả mạo nhưng việc giả mạo hàng loạt ngân hàng lớn nếu có thất thoát xảy ra, bản thân các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

BKAV và các ngân hàng đều đưa ra khuyến nghị như sau:

- Tự tay gõ đúng các địa chỉ truy cập trên Internet của các ngân hàng.

- Tải và cài đặt các ứng dụng của các ngân hàng.

- Chỉ giao dịch trên các thiết bị tin cậy không sử dụng tại máy tính công cộng.

- Cảnh giác khi nhận được các đường link yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân.

- Sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản.

- Chủ động khóa các thẻ tín dụng trên qua ứng dụng ngân hàng khi chưa dùng đến.

- Cảnh giác với các tin nhắn từ các mạng xã hội về trúng thưởng, nhận tiền.

- Cảnh giác trước các cuộc gọi lạ về người thân yêu cầu chuyển tiền gấp.

- Cài đặt các phần mềm diệt virus để ngăn chặn những link chứa mã độc.

*Bí xanh rớt giá thê thảm, xếp chồng chất chờ người mua

Trong khi người tiêu dùng ở Hà Nội phải mua bí xanh với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg thì tại một số nơi như Kim Bôi (Hòa Bình), Thanh Chương (Nghệ An) giá bí xanh rớt thảm vẫn không có người mua. 
 
 
Mùa thu hoạch bí xanh năm nay, người dân xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) kém vui vì rơi vào cảnh rớt giá, không người mua. Trước đây, giá bí xanh thấp nhất cũng chỉ 4.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 2.000 đồng/kg. Bí xanh rớt giá, không người mua, nhiều gia đình đành cất giữ thành đống trong nhà.

Tình trạng bí xanh rớt giá cũng xảy ra tại xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Bí xanh được mùa nhưng thương lái ép giá chỉ 3.000 đồng/kg. Với giá thấp như vậy, người trồng lỗ nặng, không đủ thu hồi vốn. Ở nhiều gia đình, bí xanh chất cao như bức tường, mỏi mắt chờ thương lái.

Giá bí xanh tại ruộng rớt thảm nhưng tại Hà Nội, mặt hàng này vẫn được bán với giá khá đắt từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC