Thông tin tiêu dùng

Thông tin tiêu dùng 13/1


*Khan hiếm lạ thường, mua ô tô cũ chơi Tết tốn thêm cả trăm triệu

Ô tô cũ những ngày giáp Tết nguyên đán Mậu Tuất bỗng khan hiếm lạ thường, khác hẳn mấy tháng trước đây, xe nhiều, giá rẻ bán không ai mua. Giá bán xe cũ tăng lên.
 
 
Giá bán xe cũ đã tăng lên. Một chiếc xe cũ có giá bán 500 triệu đồng, nay tăng thêm khoảng 15-20 triệu đồng so với cách đây 2 tháng. Với dòng xe to, cao cấp như Toyota Land Cruiser hay Lexus,... giá tăng gần 100 triệu đồng mỗi chiếc.

Chẳng hạn như dòng Huyndai Santa Fe, đời 2010, 2011 xe nội địa, nhập khẩu Hàn Quốc, đã chạy khoảng 100.000 km, đến nay cửa hàng nào còn xe đều “hét” giá lên tới 800 triệu đồng.

Một chiếc Ford Focus đời 2011, số tự động, chạy gần 100.000 km, trước đây giá chỉ khoảng 300 triệu đồng, nay người bán cũng “hô” tăng thêm 30 triệu đồng.

Khách hàng tìm kiếm nhiều nhất là xe cũ nhập khẩu nguyên chiếc. Đặc biệt, những chiếc xe có giá từ 700-900 triệu đồng được nhiều người quan tâm nên luôn trong tình trạng khan hiếm. 
 
*TP.HCM mang hơn 300 chuyến hàng Tết bình ổn giá đến với công nhân

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán hàng bình ổn giá. 
 
 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và Sở, ngành cũng đã lên kế hoạch thực hiện hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, phục vụ bà con ngoại thành, khu công nghiệp - khu chế xuất, bệnh viện, khu vực có người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết.

Các chuyến hàng này chủ yếu là các mặt hàng bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu, được kéo dài trước và trong hai tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2018. 

*Hà Nội bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết năm 2018 gồm: gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả… 
 
 
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017); trong đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia ước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến… với tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô… dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng tổ chức các hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại. Tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất … chú trọng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC