Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 16/1


*Bưởi cảnh tiền triệu: Hàng sạch chơi Tết, không sợ dính độc

Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thế nên, hàng ngàn gốc bưởi cảnh đã được tập trung dọc hai bên đại lộ Thăng Long thuộc huyện Hoài Đức - Hà Nội. Các cây bắt đầu được đưa lên chậu để chuẩn bị bán cho người dân chơi Tết.
 
 

Theo chia sẻ của các chủ vườn ở Hoài Đức, năm nay, bưởi cảnh đẹp hơn các năm trước. Quả to đều, da bóng hơn. Lý do một phần nhờ thời tiết năm qua thuận cho giống bưởi phát triển, một phần do người dân chăm sóc cẩn thận nên ít bị sâu bệnh hơn.

Hầu hết các chủ vườn đều nhận định, giá bưởi cảnh năm nay rẻ hơn năm trước. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Mậu Tuất còn hơn 1 tháng, thời tiết khó dự báo nên có thể, các loại cây cảnh khác sẽ chiếm ưu thế hơn, giá bưởi cảnh nhiều khả năng còn xuống thấp nữa.

Mặc dù bưởi cảnh là loại cây có giá thành khá đắt, không phải người dân nào cũng sẵn tiền để sắm, thế nhưng không ít người bỏ cả chục triệu đến tận vườn anh Quyết (Hoài Đức - Hà Nội) mua về chơi Tết sớm. Ngoài ra, phần lớn các gốc đẹp đã được thương lái đặt tiền mua, chỉ chờ đến sát Tết là đánh xe tới chở đi.

Mặc dù giá có rẻ hơn so với năm trước, nhưng tại vườn bưởi cảnh Đại Thắng của anh Nguyễn Tá Vân (Hoài Đức, Hà Nội) đang bày những cây bưởi có giá 35 triệu đồng. “Tuỳ vào cây. Cây có thế đẹp, gốc lâu năm sai quả thì giá cũng tương đối chát. Nhưng nhìn chung, giá bưởi năm nay cũng không phải là cao”, anh Vân nhận xét.

Phần lớn bưởi cảnh lấy giống từ bưởi Diễn, quả cho ăn ngọt sắc. Trong quá trình chăm sóc, chủ vườn không bón chất kính thích, chỉ phun thuốc chống sâu bệnh trong thời gian đậu quả. Khi quả chín vàng chỉ cần bọc kín không để ong châm, quả cho ra rất đẹp.

*Đào tiến vua 10 triệu đồng/bông, đại gia xếp hàng trước Tết cả tháng

Đào thất thốn vẫn được mệnh danh là “vua của các loài đào”, loại đào này có vẻ đẹp cổ kính, hoa dày và mang mùi thơm đặc trưng. Dân chơi đào trước kia vẫn thường truyền tai nhau câu nói “đếm hoa ra tiền” để nói về mức độ đắt đỏ của thất thốn.
 
 
Đào thất thốn hay còn gọi là đào tiến vua được dân chơi tôn vinh là “vua của các loài đào” nhờ vẻ đẹp sang trọng và tinh tế mà hiếm loài nào có được. Tuy nhiên, loại hoa này thường nở muộn sau rằm tháng Giêng. Vào mỗi dịp Tết, nếu “hãm” đào thành công, những cây đào thất thốn chớm nụ có thể được giá 10 triệu đồng/ cây, riêng những cây đẹp có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Theo dân chơi đào, thất thốn có thân ngắn, gốc xù xì, sắc hoa thơm đậm thường mọc thành chùm. Việc chăm sóc loài hoa này khá khó và kén người chơi, nên số lượng không nhiều. Hiện để tìm được những gốc đào đẹp, dáng thế độc lạ, người chơi phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức.

Dân chơi đào trước kia vẫn thường truyền tai nhau câu nói “đếm hoa ra tiền” để nói về mức độ đắt đỏ của thất thốn. Thậm chí, có người còn đồn đại, vào năm đào mất mùa, để định giá cây cứ mỗi bông đào nở, chủ vườn “hét” giá 10 triệu đồng/ bông.

Anh Lê Hàm, nghệ nhân trồng đào thất thốn ở Nhật Tân đã mất hàng chục năm “đổ mồ hôi”, dành nhiều tâm huyết, công sức chỉ để khám phá bí mật của giống “đào tiên” này. Theo anh Hàm, đào thất thốn lớn chậm hơn 3 - 4 lần so với đào thường. Từ khi chiết cành cho đến hoàn thiện dáng, cho nở hoa đúng Tết mất khoảng 8 - 10 năm. Dịp Tết Mậu Tuất năm nay, vườn nhà anh Hàm có khoảng 100 gốc đào thất thốn, mỗi gốc có giá thuê từ 10 triệu - hàng chục triệu đồng. 

Hiện tại những gốc đẹp hầu như đã có người đặt hết. Tuy nhiên, với những gốc đẹp, độc lạ và lâu năm anh Hàm chỉ cho thuê mà không bán đứt, dù giá cao cỡ nào. “Đào thất thốn cổ thụ phải mất hàng chục năm mới cho ra được dáng thế đẹp, cây không chỉ hiếm mà còn là thương hiệu của người nghệ nhân nên tiền không thể đong đếm được”, anh Hàm nói.

(Tổng hợp nhiều nguồn)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC