Thông tin du lịch

Thông tin du lịch 22/9


*Đền Vũ Điện
 
 

Đền Vũ Điện còn có tên gọi là đền Bà Vũ, nơi thờ vợ chàng Trương nằm ở thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân. Nói đến vợ chàng Trương nhiều người sẽ nhớ đến người con gái phủ Nam Xang đã sớm được chép vào sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì đền Vũ Điện được xây dựng ngay sau cái chết oan uổng của bà Vũ (thế kỷ XV). Ngôi đền linh thiêng với câu chuyện thương tâm của bà Vũ đã từng là đề tài cho nhiều bậc thi nhân như Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, hay Nguyễn Khuyến… với lòng thương tiếc, ước muốn giải oan cho người phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ, sự đồng cảm sâu sắc của người đời đối với nỗi oan trái còn dằng dặc ở trên đời và lòng ngưỡng mộ đối với tấm gương trinh liệt. Vì thế mà đền Vũ Điện đã trở thành điểm du lịch Hà Nam hấp dẫn, có sức thu hút mối quan tâm của nhiều vãn khách xa gần.

*Đền Lăng
 
 

Đền Lăng còn đươc gọi là đền Ninh Thái (Ninh Thái linh từ). Đền ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Đền Lăng thờ vua Đinh, vua Lê và Tam vị đại vương. Theo ngọc phả, truyền thuyết địa phương cùng nội dung khắc trên bài vị thờ tại chính tẩm thì vị vua thứ nhất được thờ ở đây là vua Đinh Tiên Hoàng có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Liêm Cần là nơi mà vua Đinh đã lập căn cứ tuyển quân, vừa là nơi huấn luyện quân sĩ. Theo nhân dân địa phương, vị trí đền thờ hiện nay chính là nơi đóng quân khi xưa của vua Đinh.

Đền Lăng còn lưu giữ khá nhiều đồ thờ tự, các đồ thờ của đền Lăng đều mới được sơn son thiếp vàng theo phương pháp cổ truyền. Do vậy khi tới đây mọi người đều cảm nhận sự lộng lẫy, uy nghi bởi đồ thờ tại các cung chỉnh tẩm, đệ nhị và tiền đường. Trước hết phải kể đến chiếc ngai thờ đời Hậu Lê được chạm trổ công phu. Đây là chiếc ngai lớn quy cách 110x70x55cm có dáng khoẻ và chạm nổi, chạm thông phong ở tay ngai, sập ngai thật cầu kỳ đẹp mắt.

Kiến trúc cũng như đồ thờ tự nơi đây tạo nên vẻ đẹp của Đền Lăng, một di tích lịch sử văn hoá của Thanh Liêm, Hà Nam. Những sản phẩm văn hoá thời Hậu Lê rất quý hiếm cùng với các đồ thờ tự thời Nguyễn của đền Lăng rất cần được giữ gìn cẩn thận.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC