Bản tin ngân hàng

BẢN TIN NGÂN HÀNG 24/10


*VAMC rao bán khoản nợ 145 tỷ đồng của Bia rượu Eresson



Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson với tổng giá trị khoản nợ tính đến cuối tháng 8 xấp xỉ 277 tỷ đồng và 210.000 EUR, tương đương 5,6 tỷ đồng.

Trong đó, riêng tiền nợ gốc là gần 141 tỷ đồng và 128.484 EUR. Giá khởi điểm dự kiến để bán khoản nợ này là 145 tỷ đồng.

Một trong các tài sản đảm bảo cho khoản vay này quyền sử dụng đất và tài sản tại 134 Cầu Giấy với diện tích đất 726,3 m2. Khu đất này cũng đồng thời là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của Chủ tịch công ty và hiện được một hãng thời trang thuê để làm mặt bằng kinh doanh.

Tài sản thế chấp thứ hai là tài sản trên đất nhà xưởng và máy móc thiết bị, xe ô tô,... hình thành trong tương lai của Dự án nhà máy rượu, bia tại lô 46 Khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội nằm trên diện tích 26.928 m2.

Eresson, từng trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp mà cụ thể là cung cấp dây chuyền cơ khí cơ điện lạnh cho các dự án Nhà máy.

Doanh nghiệp này từng thực hiện Dự án chế tạo và lắp đặt đồng bộ nhà máy sữa TH true Milk tại Nghệ An, cung cấp trọn gói từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt và chuyển giao công nghệ sản xuất rượu bia ở một số dự án như nâng cấp công suất nhà máy bia Dung Quất, nhà máy HEINEKEN Hà Tây, nhà máy Heineken Vũng Tàu - giai đoạn 1 và chế tạo và lắp đặt đồng bộ nhà máy bia Sài Gòn - Phú Thọ, nhà máy sữa TH Truemilk Nghệ An...

Thế mạnh trong xây dựng các dây chuyền nhà máy bia rượu cũng là lý do Eresson đầu tư một Nhà máy bia rượu tại khu công nghiệp Quang Minh – Hà Nội (tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng) và thành lập Bia rượu Eresson từ năm 2007 với tỷ lệ góp vốn 100%.

Bia rượu Eresson là đơn vị trực tiếp đi vay từ BIDV. Kết quả kinh doanh năm 2016 cũng như mức độ phủ thực tế sản phẩm của doanh nghiệp này cho thấy việc chuyển sang một ngành nghề khác dù có liên quan nhưng không phải nghề chính đang mang lại "trái đắng" cho Eresson.

Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, trong khi lãi vay phải trả đều đặn hàng năm hơn 18 tỷ đồng. Con số tài chính xác định nghĩa vụ là vậy nhưng tiền lãi vay đã trả thực tế là 0 đồng. Lỗ liên tục các năm khiến lỗ lũy kế của Bia rượu Eresson xấp xỉ 196 tỷ đồng.

Một biến động đáng chú ý của doanh nghiệp này hồi năm 2016 là khoản vốn điều lệ được góp thêm, tăng từ 139 tỷ đồng lên 419 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nợ vay dài hạn đã giảm được 86 tỷ đồng. Công ty mẹ nhiều khả năng đã phải góp thêm vốn để giúp Bia rượu Eresson trang trải khoản nợ.

Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp này là hàng tồn kho, gần 295 tỷ đồng vào cuối năm 2016, trong khi giá vốn hàng bán mỗi năm chỉ loanh quanh 4 tỷ đồng. Tính toán theo số liệu này, thời gian bình quân bán hàng tồn kho của Bia rượu Eresson lên tới hơn 21.900 ngày để xử lý toàn bộ tồn kho.

Khoản nợ của Bia rượu Eresson này thực tế đã được BIDV chuyển lại cho VAMC từ năm 2015 theo hợp đồng ủy quyền. VAMC rao bán với kỳ vọng chỉ cần thu hồi được gốc. Còn theo hợp đồng vay, Bia rượu Eresson sẽ phải trả tiếp cho chủ nợ khoản lãi 137 tỷ đồng và 82.000 EUR tiền lãi gồm lãi trong hạn và quá hạn.

*9 tháng đầu năm, MB hợp nhất lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ, thu nhập nhân viên ngân hàng mẹ tới 30 triệu đồng/tháng



Ngân hàng TMCP Quân đội MB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018.

Cụ thể, trong quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.185 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong đó, đa số các hoạt động kinh doanh đều có tăng trưởng lợi nhuận cao. 

Thu nhập lãi thuần tăng 28% đạt 3.633 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 89% lên 710 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 55% đạt lãi 127 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động mua bán chứng khoán và thu nhập góp vốn mua cổ phần của MB trong quý 3 năm nay có sụt giảm hơn so với năm ngoái.

Tổng thu nhập hoạt động của nhà băng trong quý 3 đạt 4.799 tỷ đồng, tăng 32%. Cùng với đó, chi phí hoạt động cũng tăng khá mạnh với 28% lên 1.968 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro không có nhiều thay đổi, chỉ tăng nhẹ 5% lên 646 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MB vượt 6.000 tỷ đồng đạt 6.015 tỷ, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Đóng góp vào mức tăng trưởng này, hai nguồn thu nhập lớn nhất của nhà băng là thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ tăng trưởng lần lượt 31% và 63%. Trong đó, đáng chú ý, lãi từ dịch vụ của MB tăng mạnh từ 1.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.688 trong năm nay chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ). Cùng với đó, dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng tăng trưởng tốt (tăng 36% đạt lãi 468 tỷ đồng).

Các hoạt động kinh doanh khác của MB nhìn chung trong 9 tháng đầu năm đều tích cực với tốc độ tăng trưởng cao trên 50%. Trong kỳ, khoản mục lãi từ hoạt động khác, ngân hàng ghi nhận khoản thu đột biến 882 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý (gấp rưỡi cùng kỳ), 126 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê BĐS (gấp 9 lần cùng kỳ).

Cùng với việc thu nhập hoạt động tăng mạnh, MB cũng rất chịu chi cho cán bộ nhân viên. Khoản chi lương và phụ cấp trong 9 tháng đầu năm tại MB tăng 42% lên 3.153 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, bình quân, thu nhập của cán bộ, công nhân viên MB (ngân hàng hợp nhất) là 25,75 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, báo cáo tài chính riêng lẻ còn cho biết thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng mẹ đã lên tới 30,24 triệu đồng/tháng.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MB tăng 9,5% đạt 343.850 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7% đạt 201.475 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5,7% đạt 232.638 tỷ đồng. Tín dụng tăng nhanh hơn so với huy động, MB gia tăng vay mượn các TCTD khác khi mục tiền gửi của TCTD khác tại MB và đi vay TCTD khác tăng 27% lên 58.695 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của nhà băng cuối tháng 9 là 3.218 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên mức 1,57% cuối tháng 9/2018.

*SHB triển khai gói vay lãi suất từ 8,5%, hút nhu cầu tín dụng dịp cận Tết



Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố chương trình vay vốn ưu đãi từ nay đến hết ngày 31/3/2019 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của ngân hàng với hạn mức tín dụng cho vay 2.500 tỷ đồng.

Theo đó, các khách hàng tham gia vay tiêu dùng tại SHB và mua bảo hiểm nhân thọ SHB – Daiichi sẽ được ưu đãi lãi suất vay từ 8,5%/năm trong thời gian lên tới 12 tháng.

Khi vay tiêu dùng giá trị trên 1 tỷ đồng, khách hàng sẽ nhận ưu đãi về lãi suất vay (từ 10%/năm) và được tặng thêm 1 Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ SHB – Daiichi cùng phí bảo hiểm năm đầu cho khách hàng lên tới 10 triệu đồng.

Với tất cả các khách hàng khi tham gia vay tiêu dùng tại SHB sẽ được tặng 1 Thẻ tín dụng SHB Mancity Visa Cashback với số tiền được hoàn lại mỗi kỳ là 200.000 đồng trong 3 kỳ sao kê đầu tiên với các thẻ có tổng chi tiêu từ 1 triệu đồng/kỳ. Khách hàng cũng có thể lựa chọn nhận thẻ SHB FCB Mastercard Debit kèm 100.000 đồng trong tài khoản với các thẻ kích hoạt thành công và nhận thêm ưu đãi lãi suất vay chỉ từ 10%/năm trong thời gian tối đa 12 tháng.

Bên cạnh đó, SHB sẽ giảm trực tiếp 0,1%/năm lãi suất khoản vay trong 3 tháng trong thời hạn chương trình với khách hàng giới thiệu thành công 1 khách hàng mới vay số tiền từ 500 triệu đồng hoặc khách hàng vay theo nhóm (tối thiểu 3 cá nhân). SHB cũng áp dụng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn.

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cũng cho biết gói ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vào thời điểm trước và sau Tết.

“Cuối năm và quý I đầu năm sau là thời điểm người dân có nhu cầu cao về mua nhà, mua ô tô và các nhu cầu tiêu dùng. SHB đã và đang nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.”, ông Lê cho hay.

Tổng hợp nhiều nguồn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC