Tin thời sự, kinh tế, văn hóa nổi bật sáng 14/12
*Thủ tướng: Không để ùn tắc kéo dài ở Hà Nội, TPHCM dịp TếtThủ
tướng lưu ý, tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương
tiện về quê trong dịp Tết, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có
hành vi tăng giá vé trái quy định.
Ngày 13/12, Phó Thủ tướng
Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(TTATGT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội
xuân 2022.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo và
tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Ảnh: Thanh Tùng
Bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch Covid-19Cụ
thể là tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn
kỹ năng về bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia giao
thông cho người dân.
Trọng tâm là tuyên truyền người dân thực
hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu;
không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; phòng tránh
tai nạn đường ngang đường sắt; kế hoạch tổ chức, thực hiện phục vụ vận
tải Tết; tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham
gia giao thông...
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức đợt cao điểm
tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về TTATGT từ ngày
15/12/2021 đến hết ngày 14/2/2022, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy
định phòng dịch Covid-19.
Trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện
và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết,
như: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy
định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo
hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua
xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông; cương quyết trấn áp
mọi hành vi chống người thi hành công vụ.
Cùng với đó, kiểm tra
việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động
hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên
các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển.
Ngoài
ra, Thủ tướng cũng yêu cầu có phương án tổ chức vận tải hành khách phù
hợp, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch Covid-19, giảm thiểu tình
trạng chậm, hủy chuyến; tuyệt đối không để tình trạng hành khách không
có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có
hành vi tăng giá vé trái quy định.
Các đơn vị sản xuất, kinh
doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động phối hợp với các đơn vị vận
tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và
sinh viên; bố trí thời gian cho người lao động và sinh viên nghỉ Tết và
trở lại làm việc, học tập phù hợp, giảm áp lực giao thông trước, trong
và sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các
đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện nghiêm các
quy định về an toàn giao thông và phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt
động vận tải. Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình
huống có người nhiễm Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương
tiện vận tải công cộng.
Tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dàiThủ
tướng cũng chỉ đạo kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ
tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở
do mưa, lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết
bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc
cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn
giao thông.
Cùng với đó, có phương án tổ chức giao thông an toàn
khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các
tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng
đường phục vụ giao thông trước ngày 23/1/2022.
Có phương án tổ
chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện
cứu hộ kịp thời giải tỏa khi xảy ra sự cố về hạ tầng, phương tiện hoặc
tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trên các
tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và TP.HCM, các tuyến kết nối
với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và
khu vực tổ chức Lễ hội xuân; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông
hợp lý, linh hoạt tại các trạm thu phí BOT, tuyệt đối không để xảy ra ùn
tắc giao thông kéo dài.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa
phương chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước có
phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa
bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân
tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra tai nạn
giao thông.
Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại
chúng số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan trung ương và của
từng địa phương; niêm yết đầy đủ các thông tin về phòng chống dịch
Covid-19 tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng…)
và trên các phương tiện vận tải công cộng.
Theo Thu Hằng/ VietNamNet