Cảnh báo đời sống

Chuyên gia cảnh báo: Gắn móng tay giả độc hại không kém khi sơn trực tiếp


Hiện nay, việc gắn móng tay giả được chị em đua nhau làm, tuy nhiên theo các chuyên gia hóa học, chị em nên thận trọng vì nó tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.
 

Trào lưu gắn móng tay giả hiện được nhiều chị em yêu thích, thậm chí nhiều người lạm dụng việc làm đẹp này. Ngoài để móng tay, móng chân đẹp hơn, nhiều người có suy nghĩ rằng việc gắn móng giả sau đó mới sơn gel lên trên sẽ giảm được mức độ nguy hiểm từ hóa chất. Chính bởi nhu cầu cao này nên trên thị trường các bộ móng giả được rao bán rất nhiều với đa đạng kiểu dáng, mẫu mã, giá cả…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Khải - Phòng khám tư nhân tại Hà Đông (Hà Nội), nhiều người thường chủ quan cho rằng sử dụng móng giả sẽ giảm tác hại khi sơn lên móng thật, nhưng cách này chưa chính xác. Bởi để làm móng giả, người thợ phải dùng móng nhựa, sau đó gắn bằng keo lên bề mặt của móng thật. Lúc này, móng thật không những bị ảnh hưởng của lớp keo mà chính móng nhựa sẽ bít nguồn thở, phát triển của móng thật. Do đó, sau một thời gian sử dụng móng giả, móng tay chân thật sẽ có tình trạng mềm, dễ gãy, xước…

Nói tới tác hại của chất keo dính các bộ móng giả tới sức khỏe, trước đó, Cơ quan giám sát độc chất Liên minh EcoWaste (Philippines) cho biết, chất keo kết dính sử dụng để gắn móng tay giả có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Theo đó, ghi nhận trên nhãn ống keo có liệt kê các thành phần chất kết dính móng tay bao gồm: Acetone, hexamethylene, methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate – hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. 
 
Gắn móng tay giả coi chừng nhiễm trùng từ hóa chất độc hại - ảnh 1

Nguy hiểm khôn lường khi thường xuyên gắn móng tay giả. 

 

Tiếp đó, Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cũng từng đưa ra cảnh báo, ba hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde trong một số sản phẩm sơn móng có nguy cơ gây sẩy thai, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như tăng nguy cơ bệnh tiểu đường...

Trao đổi thêm về một số hóa chất tiềm ẩn trong sơn móng tay như hóa chất dibutyl, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, tất cả các sơn móng tay đều chứa hóa chất độc hại. Một trong những chất độc hại này phải kể tới chất dibutyl phthalate (DBP) hay aceton. Nếu sử dụng ít thì không sao nhưng nếu lạm dụng thì vô cùng nguy hiểm. 

TS Trần Côn giải thích, đối với chất chất DBP là chất dẻo hóa được sử dụng thông dụng trong các sản phẩm nhựa dẻo công nghiệp, có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, bệnh hô hấp và có thể gây giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ và thiểu năng tuyến sinh dục ở bé trai.

Còn đối với chất aceton là một chất dung môi, dễ dàng bay hơi. Khi hít phải aceton có thể gây chóng mặt, buồn nôn và nếu ở hàm lượng cao có thể gây hôn mê, ảnh hưởng các nội tạng cơ thể. Thời gian và hàm lượng tiếp xúc càng nhiều thì càng nguy hiểm đến sức khỏe. 
 

PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, nhiều người vẫn nghĩ rằng móng tay là chất sừng, cứng và dày hơn da rất nhiều nên có thể sử dụng hóa chất trên đó mà không nguy hại gì. Tuy nhiên, móng lại có khả năng thấm hút rất tốt nên độc chất hoàn toàn có thể dễ dàng thấm vào máu. Các hóa chất được sử dụng để làm móng tay giả cũng nguy hiểm không kém sơn móng tay, nhẹ nhất là dị ứng, khó chịu do chất kích thích gây ra, tệ hơn là nhiễm trùng và các tai biến khác… 

Ngoài ra, việc mang móng giả có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Việc búng hoặc gõ móng giả có thể làm tróc móng thật, tạo kẽ hở cho các chất bẩn trú ngụ. Nếu không rửa sạch, sát khuẩn khi gắn lại, vi khuẩn và nấm có thể phát triển giữa hai móng và lan tới móng thật. 

Do vậy, theo TS. Côn, không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại. Để móng luôn hồng hào, bóng mịn, buổi tối trước khi đi ngủ có thể dùng tinh dầu dừa hoặc thoa dầu massage móng tay. Nếu móng tay bị ố vàng thì dùng chanh chà lên móng cho trắng… 
 
(Theo VietQ) 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC