Cảnh báo đời sống

Bà bầu tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể bị sảy thai


Theo ước tính gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là một yếu tố rủi ro đối với vài căn bệnh nguy hiểm hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây. Ô nhiễm không khí là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường.

Một nghiên cứu mới đây nhất của các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, không khí ô nhiễm có thể khiến phụ nữ sảy thai. Theo phân tích hồ sơ bệnh án của hơn 25.000 phụ nữ mang thai sống ở Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2017.

Khi so sánh bệnh án của những phụ nữ này và mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm bao gồm SO2 và CO, các nhà khoa học tổng kết cứ 10 μg/m3 SO2 trong không khí từ nhà máy hạt nhân và khói bụi xe cộ làm tăng nguy cơ sảy thai lên 41%. Ô nhiễm không khí tăng cao hơn sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai đến 52%.

 Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi 

Các nhà khoa học cũng phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa lượng chất hóa học độc hại trong không khí từ đốt nhiên liệu hóa thạch và số phụ nữ sảy thai "âm thầm" - tình trạng sảy thai mà không có dấu hiệu rõ ràng.

Bác sĩ Patrick O' Brien, chuyên gia tư vấn phụ sản và phát ngôn viên của Đại học Phụ sản Royal (RCOG) cho hay, khoảng 6,8% người trong hồ sơ dữ liệu đã sảy thai mà không hề hay biết, đặc biệt khi sống ở khu vực ô nhiễm có nguy cơ cao hơn.

Giáo sư Liqiang Zhang, Đại học Sư phạm Bắc Kinh và thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, việc phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn có thể giúp giảm rủi ro trong quá trình mang thai nhờ những biện pháp chủ động phòng tránh trước.

Giáo sư Zhang cũng nói thêm rằng, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến bào thai trong bụng mẹ như thế nào.

Ruth Bender - Atik, giám đốc quốc gia của Hiệp hội Sảy thai, cho hay các yếu tố khác như nghèo đói và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn cũng có thể tính là nguyên nhân ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang thai giống như không khí ô nhiễm. Lời khuyên dành cho phụ nữ mang thai là nên mang khẩu trang khi ra ngoài đường, nên tìm cách giảm tối đa tiếp xúc với không khí ô nhiễm và thay đổi cách sống, như bỏ thuốc lá...

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Bỉ lần đầu tiên tìm thấy các hạt ô nhiễm không khí ở phía mặt trong của nhau thai. Điều này cho thấy thai nhi có nguy cơ phải tiếp xúc trực tiếp với carbon đen, sinh ra từ các phương tiện giao thông và hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch khác.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hàng rào nhau thai có thể bị xuyên qua bởi các hạt ô nhiễm mà người mẹ hít vào. Trong toàn bộ số nhau thai được phân tích, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng chục ngàn hạt nhỏ trên mỗi milimet khối mẫu phẩm.

 

Trước đây, khoa học đã có những bằng chứng thuyết phục cho thấy ô nhiễm không khí phải chịu trách nhiệm cho nhiều ca sinh non, trẻ nhẹ cân và sảy thai. Nhưng nó được cho là tác động gián tiếp khi các hạt ô nhiễm có thể làm tăng các chất gây viêm trong cơ thể người mẹ mang thai. Bây giờ, với sự xuất hiện của các hạt ô nhiễm ngay trong nhau thai, tác động của chúng đến thai nhi có thể hiểu là tác động trực tiếp.

Những tổn hại mà không khí ô nhiễm gây ra cho thai nhi có thể để lại hậu quả suốt đời. Giáo sư Tim Nawrot tại Đại học Hasselt ở Bỉ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Đây là thời kỳ dễ bị tổn thương nhất trong cuộc sống. Tất cả các hệ thống cơ quan đang được phát triển. Để bảo vệ các thế hệ tương lai, chúng ta phải giảm thiểu phơi nhiễm.

Giáo sư Nawrot nói rằng trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm không khí thuộc về các chính phủ. Nhưng để phòng tránh tại thời điểm này, người dân hạn chế đi lại trên những tuyến đường đông đúc xe cộ nhất có thể.

Báo cáo đầu tiên về các hạt ô nhiễm có thể có trong nhau thai đã được trình bày tại một hội nghị vào tháng 9 năm 2018, mặc dù thành phần của các hạt này chưa được xác nhận.

Việc phát hiện các hạt ở mặt trong nhau thai cho thấy hàng rào này đã bị xuyên thủng, và rất có thể thai nhi cũng bị phơi nhiễm, Giáo sư Nawrot nói, công việc tiếp theo mà ông và nhóm nghiên cứu đang tiến hành là phân tích máu thai nhi. Điều này nhằm tìm hiểu xem các hạt ô nhiễm có khả năng gây tổn thương DNA cho đứa trẻ chưa được sinh ra hay không.

Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy các hạt carbon đen trong nước tiểu của học sinh tiểu học. Nghiên cứu, được công bố vào năm 2017 đã tìm thấy trung bình 10 triệu hạt trên mỗi mililit nước tiểu của hàng trăm trẻ em từ 9 đến 12 tuổi. "Điều này xác nhận các hạt ô nhiễm có thể đi từ phổi tới các cơ quan khác trong cơ thể", Giáo sư Nawrot cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tới 90% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí ô nhiễm. Và ngay cả mức độ ô nhiễm thấp nhất cũng gây ra những tác hại sức khỏe khó lường. 

"Thật sự rất khó để cho mọi người lời khuyên thiết thực, bởi vì mọi người đều phải thở. Nhưng những gì mọi người có thể làm là tránh những con đường đông đúc nhất có thể". 
 
(Theo VietQ) 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC