Điểm tin

Tin thời sự, kinh tế, văn hóa nổi bật chiều 23/6


*Bình Dương thành 'điểm nóng' Covid-19, nâng mức cảnh báo cao nhất

Chỉ trong ít ngày giữa tháng 6, số ca mắc Covid-19 tại Bình Dương tăng đột biến, nhiều nhất từ trước tới nay. Trước tình trạng trên, ngành chức năng tỉnh này đã nâng mức cảnh báo cao nhất.

Gần 150 ca Covid-19, xuất hiện biến chủng Delta

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính đến chiều 22/6, toàn tỉnh ghi nhận thêm 33 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong số này, có 22 trường hợp liên quan đến một công ty tại TP Thuận An, 6 trường hợp liên quan đến công ty gốm ở thị xã Tân Uyên, 4 trường hợp liên quan đến Chi nhánh xử lý chất thải, thuộc Công ty cổ phần nước - Môi trường Bình Dương tại thị xã Bến Cát và một trường hợp là tài xế chở hàng tuyến Bắc - Nam (đi chung xe với BN13374).

Trước đó, vào ngày 21/6, CDC Bình Dương cũng phát đi thông báo ghi nhận 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong khi ngày 20/6 số ca dương tính chỉ là 13 trường hợp. Hầu hết các ca bệnh này đều liên quan đến các ổ dịch tại thị xã Tân Uyên và TP Thuận An, xuất phát từ ca F0 là BN10584 – Chủ quán trà sữa Cô Chủ Nhỏ ở phường Phú Mỹ (TP Thủ Dầu Một).

Ngoài ổ dịch xuất phát từ BN10584, ngành y tế Bình Dương cũng ghi nhận nhiều điểm có dịch khác như: Khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn (hai nữ sinh viên liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM), Công ty sản xuất - thương mại Phúc Đạt (TP Dĩ An), Chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An), Công ty TNHH Puku Việt Nam (KCN Đồng An, TP Thuận An), phường Bình Thắng (TP Dĩ An), phường Bình Nhâm, TP. Thuận An (liên quan Chợ đầu mối Hóc Môn - TP.HCM).

Khu vực phong tỏa tại phường Tân Vinh Hiệp, thị xã Tân Uyên

Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày gần nhất, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại tỉnh này tăng đột biến, nhiều nhất từ thời điểm xuất hiện dịch bệnh đầu tiên tới nay.

Riêng trong đợt bùng phát dịch bệnh mới này (tính từ ngày 27/4), tỉnh Bình Dương ghi nhận có 141 trường hợp mắc Covid-19.

Số ca mắc hiện nay trên địa bàn đang ở cấp độ 4 (từ 101 - 300 ca), nằm trong mức báo động dịch bệnh cao nhất.

Tỉnh Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương TX.Tân Uyên, TP.Thuận An, một số phường của TP.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một.

Thực hiện dừng các hoạt động của chợ tự phát, nhất là chợ tự phát tại các khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân. Đối với các chợ truyền thống, siêu thị, tăng cường quản lý chặt chẽ ở mức tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch.

Theo nhận định của ngành y tế tỉnh này, ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) mới đây là rất đáng ngại, có nguy cơ lan rộng do biến chủng vi rút từ Ấn Độ có tốc độ lây lân rất nhanh. Dịch bệnh đã lan rộng đến nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân, các ca bệnh có thể còn tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời.

Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch, xét nghiệm 30.000 mẫu/ngày

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh Bình Dương, Bộ Y tế đã phân công Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế để hỗ trợ Bình Dương phòng chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh, năng lực xét nghiệm hiện tại của tỉnh hiện nay là trên 1.000 mẫu gộp, hơn 3.000 mẫu đơn. Thời điểm hiện tại nếu huy động nhân lực trong toàn tỉnh thì một ngày có thể lấy được từ 50-70.000 mẫu để xét nghiệm, các khu điều trị trên địa bàn tỉnh hiện tiếp nhận và điều trị khoảng 600 bệnh nhân.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, để có thể phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tỉnh Bình Dương cần nâng năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực thực hiện xét nghiệm nhanh, đảm bảo 100% người dân ở các khu vực nguy cơ cao được xét nghiệm nhanh để kịp thời nhận diện ca bệnh.

Do đó, ngoài lực lượng đã có ngành y tế tỉnh Bình Dương cần huy động nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng y dược ở TP.HCM để hỗ trợ.

Trước đó, ngành y tế tỉnh này đã liên hệ với Bộ Y tế đề nghị xem xét phân bổ cho tỉnh Bình Dương số lượng vắc xin nhiều nhất có thể. Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã giao Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai mua sắm, cân đối tài chính để mua vắc xin phòng Covid-19, tham mưu việc mua vắc xin phòng Covid-19 thông qua các doanh nghiệp.

Cùng với đó, lực lượng quân sự tỉnh cũng được huy động mở rộng các khu cách ly tập trung đảm bảo 10.000 giường, trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo đi vào thực chất. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải bố trí phương tiện vận chuyển kịp thời các trường hợp đi cách ly tập trung.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, có số lượng công nhân chiếm phần lớn dân số, hiện tỉnh này đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho hay, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang khẩn trương liên hệ với một số đơn vị cung cấp vắc xin để tiêm cho đối tượng là công nhân trong các khu công nghiệp, dự kiến có hơn 1 triệu công nhân được tiêm vắc xin trong thời gian tới.

Theo Xuân An/ VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC