BẢN TIN TÀI CHÍNH 7/6
S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên BB+: Cơ hội hút vốn trên trường quốc tế
Việt Nam được S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức BB+. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc khơi thông dòng chảy từ thị trường vốn quốc tế.
Thế nào là xếp hạng tín nhiệm quốc gia?
Cũng giống như một bộ phim, nếu được giới chuyên môn xếp hạng 5 sao sẽ thu hút nhiều người xem hơn bộ phim 3 sao. Tương tự, quốc gia được xếp hạng tín nhiệm cao hơn cũng sẽ có nhiều cơ hội và ưu đãi khi vay vốn trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi quốc gia đó nằm trong khu vực xếp hạng ở mức Đầu tư. Còn mức Đầu cơ sẽ ít cơ hội hơn. Trong trường hợp hiếm hoi, mức mất khả năng trả nợ là mức xếp hạng thấp nhất.
Hiện Việt Nam đang được xếp hạng bởi 3 tổ chức: S&P, Moody's và Fitch Ratings.
"Xếp hạng tín nhiệm đánh giá khả năng cũng như mức độ sẵn sàng của một quốc gia trong việc hoàn trả các nghĩa vụ nợ trong tương lai. Mức độ tín nhiệm càng cao thì chi phí vay càng thấp và khả năng tham gia vào thị trường càng tốt", ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết.
Tương ứng với 3 tổ chức xếp hạng, vị trí xếp hạng hiện tại của Việt Nam ở 3 điểm số khác nhau, với S&P là BB+, Moody's là Ba3, Fitch là BB. Tuy nhiên điểm chung là dù xếp hạng của tổ chức nào, mức tín nhiệm của Việt Nam vẫn đều đang ở mức Đầu cơ, dù cũng đang tiệm cận mức Đầu tư. Với S&P, chỉ còn 1 bậc nữa là Việt Nam thăng hạng lên mức Đầu tư, với Moody's là 3 bậc, còn Fitch là 2 bậc.
Xếp hạng tín nhiệm quốc tế góp phần nâng tầm doanh nghiệp
Tương tự như việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ mang về nguồn lợi cho ngân sách, xếp hạng tín nhiệm cho từng doanh nghiệp ngày càng trở thành đòi hỏi cấp thiết. Dù tại Việt Nam, hiện mới chỉ có số ít doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm quốc tế và những mức xếp hạng này theo quy định cũng không thể vượt quá mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, tuy nhiên thực tế đã chứng minh hiệu quả rõ nét với doanh nghiệp khi chủ động tham gia xếp hạng tín nhiệm.
Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhờ xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp mới có thể vay vốn nước ngoài mà không cần trải qua quá trình bảo lãnh Chính phủ với thủ tục kéo dài từng lên tới hơn 4 năm.
Các tổng công ty thành viên của EVN sau khi được đánh giá tín nhiệm cũng không cần phải vay lại từ tập đoàn, mà có thể tự thu xếp nguồn vốn quốc tế.
Ngân hàng VPBank cũng đã thu xếp được nguồn vốn vay quốc tế 300 triệu USD nhờ xếp hạng tín nhiệm. Không chỉ là tiền vay, mà quá trình đánh giá tín nhiệm còn giúp doanh nghiệp tự cải thiện nội lực.
Hiện tại, Việt Nam có 2 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp phép thực hiện đánh giá tín nhiệm nhưng số lượng hợp đồng xếp hạng tín nhiệm mỗi năm cũng mới chỉ chưa tới 10 hợp đồng.
Như vậy điều quan trọng là cần hình thành một văn hóa xếp hạng tín nhiệm, không chỉ ở tầm quốc gia, mà ngay tại thị trường nội địa, đối với từng doanh nghiệp, bất kể là huy động vốn trong nước hay quốc tế.
Trong năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên toàn cầu được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's, S&P đánh giá có triển vọng tích cực, với điểm cộng của Việt Nam chính là ở đà tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định vĩ mô, tuy nhiên để có thể nâng xếp hạng tín nhiệm từ mức Đầu cơ lên mức Đầu tư trong 8 năm tới, vẫn còn không ít thách thức.
Theo VTV
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016