Điểm tin

Tin thời sự, kinh tế, văn hóa nổi bật sáng 25/5


*Hà Nội: Từ 12h ngày 25/5 tạm dừng hoạt động nhà hàng, tiệm cắt tóc, tập thể dục nơi công cộng 
 
UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
 
 
Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.

Từ 12h ngày 25/5, TP quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, trên không gian mạng.

Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát triển khai phương án bổ sung các khu cách ly tập trung để chủ động đáp ứng việc cách ly tập trung.

Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh.

Rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình, tổ sản xuất, nhất là các khu chung cư, khu nhà trọ, ký túc xá sinh viên, khu nhà ở học sinh, sinh viên...

Giám sát, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế tại cộng đồng, tuyệt đối không để xảy ra các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng.

Thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm nhanh, kịp thời để sàng lọc khi có ca bệnh mới phát sinh.

Người đứng đầu UBND TP yêu cầu, tất cả người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội: Thời điểm từ ngày 10-24/5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5.

Từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
 
*TP Hồ Chí Minh: Khách đến công sở phải khai báo y tế

Từ hôm nay (25/5), khách đến các cơ quan, công sở ở TP Hồ Chí Minh làm việc phải khai báo y tế.

Mỗi cơ quan cố gắng có một tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm soát khách ra vào cơ quan. Đây là yêu cầu của UBND thành phố trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố hôm 24/5.

Thành phố cũng yêu cầu giãn cách mật độ mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối theo hướng mua theo từng nhóm và có khoảng cách hạn chế đến mức độ cao nhất tập trung đông người. Khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường, vì khả năng kháng thể của người lớn tuổi yếu.

TP Hồ Chí Minh tuần qua ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng sau hơn 20 ngày không xuất hiện ca mắc. Có các bệnh nhân vẫn chưa xác định được nguồn lây.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cho tạm dừng hoạt động của một số dịch vụ, hàng quán nhỏ ven đường không được bán tại chỗ, chỉ được bán online hoặc mang đi, mặc dù biết là sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân nhưng phải làm vì mục tiêu an toàn cho thành phố. 

Bởi vậy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị chính quyền địa phương, khu phố cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch.

Đặc biệt, ông Phong lưu ý đến công tác phòng chống Covid-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chỉ cần có 1 ca lây nhiễm tại doanh nghiệp có số công nhân lớn là rất nguy hiểm, thậm chí phải dừng hoạt động của cả doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Vì vậy sự nỗ lực phòng dịch không bao giờ là thừa.

"Nghiên cứu điều chỉnh giờ làm việc, giãn cách giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc và giờ tan ca buổi chiều, tránh tập trung quá đông người trong cùng một thời điểm; phối hợp thường xuyên với các địa phương mà gần khu công nghiệp, khu chế xuất, liên hệ chủ nhà trọ nhắc nhở người thuê trọ nghiêm chỉnh chấp hành 5K", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. 

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC