Thông tin du lịch

Thông tin du lịch 12/9


*Bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê



Bia Lê Lợi nằm giữa ngã ba sông nơi giao nhau của dòng Nậm Na và con sông Ðà hùng vĩ tại xã Lê Lợi. Năm 1981, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Vào đầu thế kỷ XV tại vùng đất này tù trưởng châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) là  Ðèo Cát Hãn đã hai lần làm phản câu kết với giặc Minh âm mưu chia cắt miền đất phía Tây (có Lai Châu) và lệ thuộc vào nhà Minh. Khi đó nhà Lê có chính sách khoan hồng và mềm dẻo nhưng Cát Hãn đã bất chấp và còn tăng cường đánh chiếm mở rộng xuống tận Mường Muổi (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) gây bao đau thương và tội ác cho người dân Tây Bắc. Sau khi cùng với quân dân cả nước đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh (1428) và sau đó năm 1431 Lê Lợi đã cầm quân dọc sông Ðà lên dẹp yên tù trưởng Cát Hãn làm phản và chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh, thống nhất bờ cõi đất nước. 

Sau khi thắng trận (tháng 1.1432) Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên giậu của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và thống nhất quốc gia lúc bấy giờ.

Khi công trình thủy điện Sơn La khởi công Bia Lê Lợi đã được di dời cùng với việc xây mới đền thờ nhà vua tại vị trí cách bia cũ 500m nhưng cao hơn 150m, thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ.

*Bản Nà Luồng



Nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ lại, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm (Tam Đường, Lai Châu) đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan.

Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…

Đến với nơi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu. 

Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng.
 
Tổng hợp nhiều nguồn 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC